Nhiều thanh niên nhập viện vì nghiện bóng cười, thuốc lá điện tử

Hút cần sa, thuốc lá điện tử, bóng cười - những chất gây nghiện này được xem là “combo” chất xúc tác gây hệ lụy khôn lường về trí tuệ, tinh thần và sức khỏe của giới trẻ. 

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Medlatec (Hà Nội) vừa tiếp nhận nam thanh niên, 19 tuổi, ở Hà Nội đến khám do hay quên, bồn chồn, lo lắng, run tay.

Theo chia sẻ của bệnh nhân, hơn 1 năm có hút cần sa, bóng cười và thuốc lá điện tử. 4 tháng nay, bệnh nhân không còn sử dụng bóng cười nhưng vẫn sử dụng cần sa, thuốc lá điện tử. Gần đây, bệnh nhân thấy mệt mỏi, run tay chân, bồn chồn, lo lắng, quên trí nhớ gần, giảm tập trung công việc, giảm các thú vui, sở thích, khó vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, hay cáu gắt, thường xuyên có xung đột với mọi người xung quanh, thích ở một mình, có cơn hồi hộp, ăn uống kém ngon miệng.

“Khi xuất hiện những triệu chứng này, tôi thấy có ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, mà đặc biệt là giảm tập trung, hay quên, không còn hứng thú trong công việc khiến tôi phải bỏ việc đang làm.

Thấy tôi sa sút, gia đình khuyên bỏ thói quen này, cộng với việc bản thân cũng biết rõ tác hại các chất mình đang dùng, nên tôi cũng có suy nghĩ bỏ nhưng không thể bỏ được, thậm chí có xu hướng tăng dần tần suất sử dụng cần sa. Để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đó, tôi quyết định đi khám” - nam bệnh nhân chia sẻ.

Thăm khám, BSCKII. Nguyễn Đình Tuấn - Chuyên khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Medlatec - cho biết, khám toàn thân về mạch, huyết áp và các dấu hiệu sinh tồn không có gì bất thường. Tuy nhiên, khám tâm thần có rối loạn hành vi, hưng cảm nhẹ, có hoang tưởng bị hại và một số triệu chứng tâm thần khác.

Bệnh nhân có chẩn đoán ban đầu là rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng chất gây ảo giác, vì vậy, bệnh nhân được chỉ định làm xét nghiệm hóa sinh và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Kết quả xét nghiệm sàng lọc nhanh phát hiện dương tính với THC (cần sa- marijuana), kết quả xét nghiệm sinh hóa khác có một số biến đổi.

Theo bác sĩ, sử dụng cần sa, hút thuốc lá điện tử, hay hít bóng cười mang lại cho người sử dụng cảm giác hưng phấn, thư thái, khoái cảm… nhưng việc sử dụng những chất gây nghiện này được xem là “combo” chất xúc tác gây hại sức khỏe. Cụ thể như: cần sa ảnh hưởng đến cơ thể rất nghiêm trọng và lâu dài, ở cả 3 phương diện là não bộ, thể chất, tâm thần. Với phụ nữ mang thai có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong và sau khi sinh.

Ở thanh thiếu niên, việc sử dụng cần sa có thể làm suy giảm chức năng suy nghĩ, trí nhớ, học tập. Ngoài ra, hút cần sa có thể ảnh hưởng hô hấp, tăng nhịp tim, gây buồn nôn, nôn dữ dội.

Thuốc lá điện tử có thành phần chính là Nicotine - chất gây nghiện có trong thuốc lá thường là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư, ngoài ra còn có dung dịch tạo khói (nước, Propylene Glycol và Glycerin) và chất tạo mùi.

Bóng cười là loại bóng được bơm thêm khí N2O. Đây là một chất hóa học không màu, không vị, không mùi. Khi hít phải loại khí này sẽ khiến cơ thể có cảm giác hưng phấn, vui vẻ, có thể cười nói luyên thuyên, mất kiểm soát, gây ảo giác… và nếu lạm dụng N2O có thể dẫn tới rối loạn thần kinh như co giật, mất kiểm soát, trầm cảm, rối loạn cảm giác, rối loạn giấc ngủ, liệt vận động, tổn thương thần kinh trung ương…

Bác sĩ chia sẻ, những trường hợp sử dụng chất gây nghiện như hút bóng cười, cần sa, hút thuốc lá điện tử thường gặp ở các đối tượng việc làm không ổn định, gia đình bất chắc, do sự buông lỏng, hoặc không quản lý chặt chẽ từ phía gia đình khiến tình trạng này càng thâm nhập sâu trong giới trẻ.

Đáng lưu ý tình trạng hút thuốc lá điện tử ở học đường ngày càng gia tăng, do lớp trẻ coi đây như một trào lưu thời thượng, sự khẳng định bản thân nên ban đầu dù chỉ là thử cảm giác, nhưng sau đó đã bị lôi cuốn bởi cảm giác sảng khoải, vui vẻ, hưng phấn mà không chấm dứt được.

Trong thời gian qua, Viện nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma tuý PSD cũng tiếp nhận một số trường hợp tới tư vấn, trị liệu là các em học sinh, sinh viên có sử dụng thuốc lá điện tử. Qua quá trình tư vấn, một số em học sinh cũng không nắm rõ tác hại của thuốc lá điện tử - thứ mà các em sử dụng hằng ngày. Nhiều bạn trẻ vẫn cho rằng, thuốc lá điện tử, các loại thuốc lá thế hệ mới chỉ đơn thuần là thú vui, không gây nghiện, không gây ảnh hưởng tới sức khoẻ. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều bạn trẻ chủ quan sử dụng các loại thuốc lá điện tử được pha trộn ma tuý mà dẫn tới ngộ độc.

Các bạn trẻ có nhu cầu được tư vấn về tác hại của thuốc lá điện tử, xin liên hệ tới Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma tuý PSD.

H.V (Tổng hợp)

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD