Hướng dẫn công tác cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng trước ngày 30/10

Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022, góp phần quan trọng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực phòng, chống ma túy.

Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022, góp phần quan trọng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực phòng, chống ma túy.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai luật, công tác xác định tình trạng nghiện và cai nghiện ma túy theo quy định mới đang bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt là công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chưa được triển khai hiệu quả.

Hiện cả nước có 93 tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, trong đó có 3.656 người tham gia cai nghiện. Đáng nói, vẫn còn 43 địa phương chưa tổ chức được hoạt động cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định mới.
Một số địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo, bố trí nguồn lực để thực hiện công tác này. Trong khi đó, phần lớn người nghiện đều có hoàn cảnh khó khăn nên không có khả năng đóng góp chi phí cai nghiện. Công tác quản lý, tư vấn, hỗ trợ học nghề, tạo công ăn việc làm, vốn cho người hoàn thành chương trình cai nghiện ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức…

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 12-10-2023, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 411/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp Thường trực Ủy ban quốc gia Phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm về công tác cai nghiện ma túy. Theo đó, trước ngày 30-10-2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải có văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

 

Thông báo nêu rõ, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tiếp tục diễn biến rất phức tạp; người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma tuý có xu hướng gia tăng về số lượng, trẻ hoá về độ tuổi, tiềm ẩn nguy cơ rất cao phạm tội về ma túy và các tội phạm khác.

Trước thực trạng này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đã có nhiều chỉ đạo và điều hành nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để tăng cường công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt là công tác cai nghiện ma túy.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức đến công tác này theo đúng quy định của Luật phòng, chống ma túy năm 2021; việc bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực cho công tác cai nghiện ma túy chưa đáp ứng được nhu cầu; nhiều văn bản pháp lý trong lĩnh vực cai nghiện ma túy chưa được sửa đổi, bổ sung và ban hành kịp thời…

Để nâng cao hiệu quả trong công tác cai nghiện ma túy, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương chủ trì, phối hợp với bộ ngành và các địa phương, rà soát, lập danh sách một số cơ sở cai nghiện có nhu cầu cấp bách cần được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới, đáp ứng đủ điều kiện để có thể thực hiện được ngay khi có vốn.

Trước ngày 30/10/2023, Bộ LĐ-TB&XH phải có văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và trong năm 2023, đề xuất chủ trương xây dựng Chương trình tổng thể nâng cao năng lực công tác cai nghiện ma túy giai đoạn 2026 - 2030, báo cáo Thủ tướng Chính phủ...

H.V (Tổng hợp)

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD