Đổi mới giải pháp phòng ngừa lạm dụng ma túy trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Bài 1: Nhận diện các yếu tố nguy cơ - Mục tiêu của phòng ngừa.


TS. Nguyễn Thị Vân
 

Bài 1: Nhận diện các yếu tố nguy cơ - Mục tiêu của phòng ngừa

TS. Nguyễn Thị Vân

Chỉ thị 13-CT/TW của Bộ Chính trị đã xác định phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết liệt, quyết tâm rất cao và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội. Tội phạm và tệ nạn ma túy là vấn đề mang tính toàn cầu, do đó các chính sách phòng, chống ma túy phải đặt trong bối cảnh chung của khu vực và trên thế giới; tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp hành động chung để giải quyết vấn đề ma túy. Đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Thực hiện chủ trương trên của Đảng, công tác phòng ngừa ma tuý trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay cần có những đổi mới về mục đích phòng ngừa, nội dung phòng ngừa, cách thức thực hiện các chương trình phòng ngừa và đối tượng can thiệp phòng ngừa.

1. Về mục đích phòng ngừa

 Hiện nay, chúng ta đều biết nghiện ma tuý là một căn bệnh mãn tính có bản chất tái diễn của não bộ được đặc trưng bởi hành vi thôi thúc tìm kiếm và sử dụng ma tuý bất chấp hậu quả của việc sử dụng. Nghiện được coi là một chứng rối loạn não vì nó liên quan đến những thay đổi chức năng của não liên quan căng thẳng, tự kiểm soát và tưởng thưởng. Những thay đổi đó có thể tồn tại trong một thời gian dài ngay cả sau khi người nghiện đã ngừng sử dụng ma tuý.

Nghiện ma tuý cũng giống như các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh tim. Cả hai đều làm gián đoạn hoạt động bình thường, lành mạnh của một cơ quan trong cơ thể, đều có tác hại nghiêm trọng và trong nhiều trường hợp, cả hai đều có thể phòng ngừa và điều trị được. Nếu không được điều trị, nghiện có thể có thể tồn tại suốt đời và có thể dẫn đến tử vong. Chính vì mối nguy hiểm và hậu quả của nghiện ma tuý như vậy nên lâu nay chúng ta tăng cường các hoạt động tuyên truyền phòng ngừa ma tuý mà bản chất là phòng ngừa để người ta không sử dụng ma tuý.

Tuy nhiên, cũng như các bệnh và rối loạn khác, khả năng phát triển chứng nghiện ở mỗi người là khác nhau. Không phải ai sử dụng ma tuý cũng nghiện ngay và không có yếu tố nào quyết định chắc chắn một người sẽ trở thành nghiện. Người ta có thể có nhiều lý do để tìm đến với ma tuý. Có người sử dụng ma tuý để giải toả áp lực, có người sử dụng ma tuý do tò mò, có người sử dụng ma tuý để tìm vui hoặc để chữa bệnh (ví dụ dùng mooc-phin để giảm đau). Tuy nhiên, để việc sử dụng của một người từ việc dùng thử hay dùng có mục đích ban đầu thành nghiện ma tuý thường nó sẽ phải tiến triển theo các giai đoạn: Dùng thử/dùng có mục đích là lạm dụng và nghiện (hay lệ thuộc và ma tuý).

Vì vậy, các chương trình phòng ngừa ma tuý cần không chỉ nhằm giúp đỡ mọi người không sử dụng ma tuý như cách thức xưa nay vẫn làm mà cần hướng tới hai mục đích: 1) Giảm nguy cơ sử dụng ma tuý (với những người chưa sử dụng ma tuý) và 2) Giảm nguy cơ nghiện ma tuý (đối với những người đã sử dụng).

Hơn hết, mục tiêu chung của phòng ngừa ma túy là nhằm đảm bảo sự phát triển an toàn và lành mạnh của các cá nhân trong xã hội, đặc biệt của trẻ em và thanh thiếu niên, để mọi người khả năng, tiềm năng của mình và trở thành các thành viên có ích của cộng đồng và xã hội. Dự phòng ma túy hiệu quả có đóng góp quan trọng cho sự tham gia tích cực của trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn tại gia đình, trường học, nơi làm việc và cộng đồng.

2. Về nội dung phòng ngừa

 Không phải ai sử dụng ma tuý cũng nghiện ngay và cũng không có yếu tố nào quyết định chắc chắn một người sẽ trở thành nghiện. Tuy nhiên các yếu tố tác động tới việc sử dụng ma tuý, lạm dụng ma tuý và nghiện ma tuý ở một người có thể chia làm 2 nhóm: Nhóm các yếu tố nguy cơ và nhóm các yếu tố phòng ngừa.

Những yếu tố khiến một số người dễ bắt đầu sử dụng ma túy hơn  được gọi là các “yếu tố nguy cơ”, có thể diễn ra ở cấp độ cá nhân hay môi trường xã hội. Không chỉ thiếu hiểu biết về ma túy và hậu quả của chúng, các yếu tố nguy cơ còn có thể bao gồm: đặc điểm tính cách hung hăng, bốc đồng, các rối loạn tâm thần, gia đình bỏ bê và lạm dụng, gắn kết kém với trường học và cộng đồng, thiếu các chuẩn mực xã hội, môi trường dễ tiếp cận với ma tuý và lớn lên tại các cộng đồng nghèo đói, hạn chế nguồn lực…

Những yếu tố đóng góp làm giảm khả năng dễ bị tổn thương của các cá nhân (các yếu tố bảo vệ) với việc sử dụng, lạm dụng và nghiện ma túy được gọi là các “yếu tố bảo vệ”. Các yếu tố này bao gồm: tình trạng tâm lý và cảm xúc khỏe mạnh, có năng lực tự thân và xã hội, có mối gắn kết mạnh mẽ với gia đình, người thân trường học và cộng đồng có đầy đủ các nguồn lực, chính sách kiểm soát ma tuý chặt chẽ của địa phương…

Nhìn chung, một người càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng dẫn đến nghiện và sử dụng ma túy càng lớn. Mặt khác, càng nhiều yếu tố bảo vệ thì càng làm giảm nguy cơ sử dụng, lạm dụng hay nghiện ma tuý của một người. Vì vậy, các chương trình phòng ngừa ma tuý cần đồng thời tăng cường các yếu tố bảo vệ và giảm các yếu tố nguy cơ.

Điều đó có nghĩa nội dung các chương trình phòng ngừa ma tuý cần phải rất đa dạng, không chỉ tập trung vào việc tuyên truyền về ma tuý và tác hại của nghiện ma tuý như xưa này chúng ta vẫn làm mà cần quan tâm tới giảm các các yếu tố nguy cơ và tăng cường các yếu tố bảo vệ khác. Ví dụ như nhà trường hay đoàn thanh niên cơ sở tổ chức các hoạt động ngoại khoá, thu hút thanh thiếu niên tham gia. Tổ chức các chương trình rèn luyện kỹ năng sống cho các em, các chương trình bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, tăng cường sự kết nối của cha mẹ với con cái, các chương trình xoá đói, giảm nghèo, nâng cao năng lực cộng đồng, tăng cường các chính sách, chương trình kiểm soát ma tuý…

Ngoài các yếu tố nguy cơ sử dụng và nghiện ma tuý nói chung, các yếu tố dưới đây sẽ tăng nguy cơ nghiện ma tuý ở một người sử dụng:

Sử dụng sớm. Mặc dù dùng ma túy ở mọi lứa tuổi đều có thể dẫn đến nghiện nhưng đã có các nghiên cứu cho thấy những người bắt đầu sử dụng ma túy càng sớm càng có nguy cơ phát triển các vấn đề nghiêm trọng.[1] Đó cũng có thể là kết quả của sự kết hợp của các yếu tố nguy cơ xã hội và sinh học ban đầu như thiếu một ngôi nhà hoặc gia đình ổn định, bị lạm dụng thể chất hoặc tình dục, yếu tố về gien hoặc bệnh tâm thần. Tuy nhiên, dù nguyên nhân của sử dụng sớm là gì thì đây vẫn là một dấu hiệu rõ ràng chứng nghiện.

Cách thức sử dụng ma tuý. Hút hoặc tiêm ma tuý vào tĩnh mạch sẽ làm tăng khả năng gây nghiện. Ma tuý sau khi hút và tiêm đều đi vào não trong vòng vài giây, tạo ra một cơn khoái cảm mạnh mẽ. Tuy nhiên, mức cường độ cao này có thể biến mất trong vòng vài phút. Điều này khiến một số người liên tục sử dụng ma túy để lấy lại trạng thái khoái cảm thoáng qua, dẫn tới tăng nguy cơ nghiện ma tuý.

3. Về cách thức thực hiện các chương trình phòng ngừa

 Đúng như quan điểm về phòng ngừa ma tuý của Đảng ta “đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước”, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra các biện pháp can thiệp phòng ngừa ma tuý dựa trên bằng chứng có thể giúp xã hội tiết kiệm chi phí chăm sóc y tế và các chi phí xã hội khác để giúp người nghiện trở thành những thành viên hữu ích của xã hội với mức hiệu suất lên tới 65 đô la cho mỗi đô la đầu tư vào phòng ngừa.[2]

Các chương trình phòng ngừa này được triển khai nhằm để tăng cường các yếu tố bảo vệ và loại bỏ hoặc giảm các yếu tố nguy cơ sử dụng ma túy và nghiện ma tuý. Các chương trình được thiết kế cho nhiều lứa tuổi khác nhau và có thể được sử dụng trong môi trường cá nhân hoặc nhóm, chẳng hạn như trường học và gia đình. Có ba loại chương trình[3]:

Các chương trình phổ cập (universal programs) nhằm triệt tiêu hoặc giảm các yếu tố nguy cơ và tăng các yếu tố bảo vệ chung cho tất cả mọi người trong một môi trường nhất định. Ví dụ, với trẻ em và thanh thiếu niên, đây là các chương trình phòng ngừa hướng tới tất cả các trẻ em và thanh thiếu niên trong trường học hoặc cộng đồng như các hoạt động truyền thông về ma tuý và tác hại của ma tuý, các hoạt động ngoại khoá dành cho thanh thiếu niên trong cộng đồng, học sinh trong nhà trường, các chương trình đầu tư phát triển cộng đồng hoặc dạy kỹ năng sống, kỹ năng xã hội cho thanh thiếu niên…

• Các chương trình chọn lọc (selective programs) dành cho các nhóm đối tượng có các yếu tố cụ thể khiến họ có nguy cơ sử dụng ma túy cao hơn. Ví dụ các chương trình dành riêng cho nhóm trẻ em lang thang đường phố hay trẻ em bị bạo lực gia đình, trẻ em có cha mẹ, anh chị em nghiện ma tuý…

Các chương trình được chỉ định (indicated programs) được thiết kế cho những người đã bắt đầu sử đã bắt đầu sử dụng ma túy. Ví dụ, với những thanh thiếu niên đã sử dụng ma tuý, các can thiệp hướng dẫn các em về các cách từ chối sự rủ rê, các hoạt động giúp các em nhận thức được nguy cơ nghiện ma tuý từ việc tiêm chích hay hút ma tuý, các hoạt động tư vấn cho gia đình giúp tăng cường sự kết nối của các em với cha mẹ…

 

Một trường hợp sử dụng ma túy từ khi còn là học sinh được tư vấn cách điều trị tại Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng. (Ảnh:hanoimoi)

4. Về đối tượng can thiệp phòng ngừa

 Người nghiện ma tuý ở mọi lứa tuổi phải gánh chịu những hậu quả tai hại của việc sử dụng và nghiện ma tuý:

Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy người mẹ sử dụng ma tuý khi mang thai ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của thai nhi. Chúng cũng có thể trở nên phụ thuộc vào chất ma tuý mà người mẹ sử dụng trong khi mang thai, một tình trạng được gọi là hội chứng cai ở trẻ sơ sinh. Việc tiếp xúc với ma tuý từ trong bụng mẹ cũng cản trở đáng kể năng lực phát triển và khiến trẻ em dễ bị tổn thương và có nguy cơ hình thành các hành vi tiêu cực sau này. Khi trẻ 2 hoặc 3 tuổi, trẻ có thể bắt đầu biểu lộ các hành vi gây rối, giận dữ, không nghe lời hoặc thể hiện hành vi phá hoại. Nếu không được giải quyết một cách thích đáng, những đặc điểm tính cánh này có thể trở thành các vấn đề sau này.

Thanh thiếu niên sử dụng ma túy có thể biểu dẫn tới học kém hoặc bỏ học. Sử dụng ma túy khi não vẫn đang phát triển có thể gây ra những thay đổi về não lâu dài và khiến người dùng có nguy cơ phụ thuộc cao hơn.[4]

Người lớn sử dụng ma túy có thể gặp khó khăn trong việc suy nghĩ rõ ràng, ghi nhớ và chú ý. Họ có thể phát triển các hành vi xã hội kém do sử dụng ma túy, điều đó ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả công việc cũng như các mối quan hệ cá nhân.

Việc sử dụng ma túy của cha mẹ có thể dẫn tới gia đình hỗn loạn, căng thẳng, cũng như lạm dụng và bỏ rơi trẻ em. Những tình trạng như vậy gây hại cho sức khỏe và sự pháttriển của trẻ em trong nhà và có thể tạo tiền đề cho việc sử dụng ma túy ở thế hệ tiếp theo./.[5]

 


[1] Lynskey MT, Heath AC, Bucholz KK, Slutske WS, Madden PAF, Nelson EC, Statham DJ, Martin NG. Escalation of drug use in early- onset cannabis users vs co-twin controls. JAMA 289: 427-33, 2003.

[2] Johnston, LD, O’Malley, PM, Miech, RA, Bachman, JG, & Schulenberg, JE (2014). Monitoring the Future national survey results on drug use: 1975-2013: Overview, key findings on adolescent drug use. Ann Arbor: Institute for Social Research, The University of Michigan

[3] National Indtitute of Drug Abuse (NIDA). Drug, Braín, and Behavior: The science of addiction. Truy cập ngày 8/4/2022 tai https://nida.nih.gov/sites/default/files/soa.pdf

[4] Chen C-Y, Storr CL, Anthony JC. Early-onset drug use and risk for drug dependence problems. Addict Behav. 2009;34(3):319- 322. doi:10.1016/j.addbeh.2008.10.021

[5] Simmons LA, Havens JR, Whiting JB, Holz JL, Bada H. Illicit drug use among women with children in the United States: 2002–2003. Ann Epidemiol. 2009;19(3):187-193. doi:10.1016/j.annepidem.2008.12.007

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD