Tệ nạn ma túy thâm nhập học đường luôn là vấn đề nóng được dư luận quan tâm. Việc thiếu hụt nội dung về phòng, chống ma túy trong giáo dục cho học sinh, sinh viên cần được đặc biệt chú trọng hơn.
Để phòng ngừa và loại bỏ tệ nạn ma túy học đường, tác động đến học sinh, sinh viên, Điều 10 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 quy định trách nhiệm của nhà trường và các cơ sở giáo dục như sau: Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma tuý; giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý và lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên tham gia tệ nạn ma tuý;
Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma tuý; Phối hợp với cơ quan y tế và chính quyền địa phương tổ chức xét nghiệm khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên nghiện ma tuý.
Những con số đáng buồn
Theo nghiên cứu “Thực trạng nhận thức của học sinh sinh viên về ma túy: Nguyên nhân và giải pháp” của Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD), chỉ có 4,5% số học sinh được khảo sát cho rằng mình có những kiến thức đầy đủ về các chất ma túy; trong khi đó có tới 42,2% số người cho biết không hiểu biết về nội dung này.
Về dấu hiệu để nhận biết người nghiện ma túy và các kỹ năng phòng chống ma túy, có tới 44% học sinh cho rằng mình không hiểu biết gì, gần 40% khẳng định mình chưa biết đến những kỹ năng cần thiết để phòng tránh ma túy.
Theo kết quả khảo sát, phần lớn học sinh, sinh viên đều nhận biết được những chất gây nghiện bất hợp pháp như: Thuốc phiện (93,8%), heroin (89,8%) và cần sa (75,9%). Tuy nhiên, nhiều học sinh, sinh viên lại không biết về những loại ma túy mới xuất hiện như methaphetamine (ma túy đá), chỉ có 56,4% số học sinh, sinh viên được hỏi cho rằng chất đó có khả năng gây nghiện.
Những con số đáng báo động về thực trạng nhận thức của học sinh sinh viên về ma túy khiến nhiều người không khỏi trăn trở. Những con số “biết nói” ấy phần nào phản ánh việc giáo dục phòng chống ma túy trong các trường học ở Việt Nam chưa được chú trọng nếu không muốn nói là thiếu và yếu.
Tuyên truyền, giáo dục ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường.
Hệ lụy khôn lường
Theo báo cáo của Bộ Công An, tính đến tháng 6/2020, cả nước có 234.620 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và phần lớn đang sinh sống tại cộng đồng. Đáng chú ý là tình trạng thanh thiếu niên (trong đó có học sinh, sinh viên) tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp trong các vũ trường, quán bar, nhà nghỉ, nhà riêng... chưa giảm; không những xảy ra ở các thành phố lớn mà còn lan rộng ra vùng ven, các khu công nghiệp, vùng biên .
Trong khi đó, việc tổ chức xét nghiệm để kết luận đối với học sinh, sinh viên còn rất khó khăn. Hiện tượng thanh thiếu niên sử dụng cần sa trong các vũ trường, quán bar kết hợp với ma túy tổng hợp ngày một phổ biến, phản ánh một xu thế mới về hình thức và loại ma túy sử dụng trong giới trẻ ở nước ta.
Tính sơ bộ, Việt Nam hiện có gần 23 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu cán bộ, giáo viên, chiếm khoảng ¼ dân số cả nước, là lực lượng quan trọng đối với tương lai của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Tuy nhiên, lứa tuổi học sinh, sinh viên cũng rất dễ bị tác động, lôi kéo tham gia vào tệ nạn ma túy nếu như không có biện pháp phòng ngừa thường xuyên, quyết liệt.
Mặc dù giáo dục nước nhà luôn coi trọng việc giáo dục học sinh, sinh viên về tác hại của ma túy và các chất kích thích khác song tình trạng sử dụng ma túy trong giới trẻ, học sinh, sinh viên vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng lan rộng.
Chung tay đẩy lùi ma túy khỏi trường học
Kết quả khảo sát của Viện PSD, kết quả khảo sát năm 2015 về hiệu quả của các công cụ truyền thông phòng chống ma túy trong trường học cho thấy: Có đến 4,26/5 điểm, học sinh và những người tham dự đánh giá cao về mô hình truyền thông bằng việc trưng bày các dụng cụ sử dụng ma túy trực quan để học sinh có thể nhận diện các chất ma túy cũng như các dụng cụ sử dụng ma túy hiệu quả - góp phần trực tiếp đến mục đích định hướng kỹ năng phòng, chống ma túy cho các em.
Kết quả khảo sát trên của Viện PSD gợi mở cho những người làm giáo dục phương hướng để thực hiện truyền thông phòng chống ma túy trong trường học hiệu quả hơn. Đó là sử dụng những phương pháp truyền thông trực quan, sinh động, đa dạng kết hợp với nội dung và kiến thức truyền tải, để học sinh có cơ hội tiếp cận các nội dung về phòng, chống ma túy một cách đơn giản, nhưng hiệu quả cao.
Hơn bao giờ hết, lúc này là lúc mà tất cả các nhà trường, các cơ sở giáo dục cùng các cấp các ngành cần chung tay để đẩy lùi ma túy ra khỏi trường học.
Truyền thông ma túy học đường vẫn là cách thức tuyên truyền hữu hiệu, tuy nhiên cần phát huy bằng cách đổi mới phương pháp, nội dung phù hợp từng địa bàn. Ngành giáo dục cần dành thời gian quan tâm thỏa đáng c công tác này. Nhà trường cần được đào tạo kỹ năng nhận diện và xử lý khi nghi ngờ học sinh có dấu hiệu sử dụng ma túy hoặc mua bán ma túy nhiều lần.
Mới đây Bộ GD&ĐT đã tạo ban hành Kế hoạch về việc "Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021” gồm 9 nhiệm vụ khác nhau, liên quan đến công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm…
Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm triển khai hiệu quả các nội dung công việc được giao tại Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, đặc biệt là triển khai phát hành bộ tài liệu “Kỹ năng phòng chống ma túy” và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh, học sinh.
Để ngăn chặn sự lan rộng của hiểm họa ma túy trong học sinh, sinh viên thì việc giáo dục phòng chống ma túy tại nhà trường cần được các cấp, các ngành, toàn bộ hệ thống giáo dục nghiêm túc nhìn lại. Đây chính là thời điểm cấp bách để ngăn chặn ma túy xâm nhập sâu rộng vào nhà trường, phá hủy những mầm non tương lai của đất nước.
Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.
Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD