Chương trình giao lưu: Ma túy học đường –Đừng để thành “Lốc”

Việc sử dụng ma túy ở các trường học trên địa bàn thành phố có hiếm không? Khi có kết quả những học sinh đã sử dụng ma túy thì phản ứng của nhà trường như thế nào? Hướng giải pháp nào để ngăn chặn ma túy học đường?

 

Việc sử dụng ma túy ở các trường học trên địa bàn thành phố có hiếm không? Khi có kết quả những học sinh đã sử dụng ma túy thì phản ứng của nhà trường như thế nào? Hướng giải pháp nào để ngăn chặn ma túy học đường?

Ảnh: Truyền thông PSD

Thực hiện Chương trình công tác năm 2019 của UBQG Phòng, chống AIDS và Phòng, chống Tệ nạn ma tuý, Mại dâm (theo CV số: 50/PCAIDSMTMD ngày 21/03/2019). Nhân tháng hành động phòng, chống ma tuý, Ngày quốc tế phòng, chống ma tuý và Ngày toàn dân phòng, chống ma tuý 26/6 từ ngày 1/6-30/6/2019 với chủ đề "Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu". Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu: Ma túy học đường – Đừng để thành “Lốc”.

 

Tham dự buổi giao lưu có Đại diện Viện PSD ThS Phan Thị Mai Thương – Phó phòng Tâm lý và anh Lê Kim Tuân - chuyên viên trị liệu – tư vấn - đào tạo, ông Vũ Văn Trí - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma tuý số 7 Hà Nội và các em học sinh trường THPT Cẩm Phả (Quảng Ninh).

 

Lỗ hổng trong công tác quản lý giáo dục

Tính đến hết tháng 5/2019, Hà Nội có khoảng 13.410 người nghiện có hồ sơ quản lý; trong đó hơn 9.000 người đang ở ngoài cộng đồng; trên 60% người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp và không ít trong số đó sử dụng lần đầu dưới 25 tuổi, khoảng 8% người nghiện ở tuổi chưa thành niên. Cọn số người nghiện chưa thành niên gia tăng trong những năm gần đây cho thấy những lỗ hổng trong công tác quản lý, giáo dục từ nhiều phía dẫn đến sự lệch lạc trong nhận thức về ma tuý của các em.

 

Thiếu kỹ năng xử lý các tình huống trước các nguy cơ dẫn đến hành vi sử dụng ma tuý là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc nhiều học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên bị bạn bè xấu dụ dỗ vào con đường nghiện ngập. Bên cạnh đó, một số trường học còn thiếu các biện pháp kiên quyết khi phát hiện học sinh sử dụng ma tuý. Thậm chí có trường còn giấu giếm hoặc âm thầm đuổi học sinh, sinh viên nhỡ sa chân vào ma túy để tránh liên lụy, mang tiếng. Mặt khác, công tác đánh giá thực trạng học sinh, sinh viên nghiện ma tuý chưa tốt nên không có biện pháp phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn kịp thời.

 

Công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, nhà trường, phụ huynh học sinh, người dân nắm được các chính sách pháp luật về ma tuý, tác hại của ma tuý, kỹ năng chủ động phòng ngừa còn rất yếu và chưa đạt hiệu quả, đặc biệt ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thiếu thông tin về kiến thức, kỹ năng phòng chống ma tuý còn hạn chế, nhiều cha mẹ không có khả năng nhận biết các dấu hiệu khi có con sử dụng ma tuý để có biện pháp sử lý kịp thời.

 

Đặc biệt, nhận thức của học sinh về ma tuý còn kém. Các em chưa được tiếp cận với những kiến thức về tác hại của các loại ma tuý cũng như các phòng, chống. Các em cũng có ít cơ hội tham gia vào các khoá học tìm hiểu kiến thức pháp luật về ma tuý nên dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.

 

Theo các chuyên gia Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma tuý PSD, ma tuý có ảnh hưởng rất lớn đến học sinh, sinh viên, sử dụng ma tuý sẽ khiến thể chất của học sinh, sinh viên phát triển không bình thường, chậm lớn, gầy còm, trí nhớ kém, trí thông minh giảm, lười biếng, ngủ nhiều, thích nằm, không thích lao động, khả năng vận động kém, dùng ma tuý quá liều có thể dẫn tới tử vong.

 

Có hơn 100 loại ma túy tại Việt Nam

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là những loại ma túy trá hình mới xuất hiện thường núp dưới vỏ bọc tưởng như “vô hại” như thuốc lá, trà sữa, bùa lưỡi, bóng cười…. nhưng tác động của nó mạnh không kém gì những loại ma túy thông thường. Có thể nói nhắc đến ma túy trá hình như một ma trận đang được một bộ phận người trẻ coi như một thứ “mốt” thời thượng. Theo thống kê của lực lượng chức năng, hiện ở Việt Nam đang tồn tại khoảng hơn 100 loại ma tuý, trong đó có một số loại ma tuý đặc biệt nguy hiểm đang tấn công giới trẻ. Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, sẽ không thể phân biệt được, bởi chúng có màu sắc gần giống nhau.

Một trong số những loại ma túy trá hình phổ biến hiện nay là ma túy "trà sữa", thực chất là ma túy tổng hợp, thường được sử dụng ở các quán bar, sàn nhảy. Loại ma túy này được pha vào nước khoáng và nước ngọt... nên quá dễ dàng để người sử dụng tìm được cảm giác hưng phấn, phê pha.

Theo chuyên viên Viện PSD: “Khi mà dung nạp vào cơ thể các bạn ý có thể cảm thấy rất hưng phấn, các bạn ý cảm thấy rất là vui vẻ, khoái lạc, ngoài ra khi mà dung nạp ma túy trà sữa vào các cái biểu hiện của cơ thể các bạn ý nó cũng giống tương tự như khi dung nạp đá, kẹo, ke vào cơ thể”.

 

Một chất gây nghiện phổ biến khác là cần sa, được coi như “thần dược” và cho rằng loại cỏ này không gây nghiện, mức độ lệ thuộc không cao như ma túy truyền thống và các chất gây nghiện có nguồn gốc nhập khẩu khác. Để sử dụng hàng ngày, người chơi chỉ cần bỏ ra hơn 100 nghìn đồng. Chính vì vậy, nhiều học sinh, sinh viên đã sử dụng với suy nghĩ rằng, giá thành rẻ như vậy thì không gây nghiện và cũng không ảnh hưởng tới sức khỏe. Nguyên nhân chủ yếu khiến giới trẻ “dạn” dùng cần sa là những thông tin trái chiều về lợi ích của cây cần sa nhan nhản trên mạng internet. Trong đó có nhiều thông tin “nửa vời” thiếu trách nhiệm hoặc chưa được xác minh về tính đúng đắn vẫn cứ tung lên.

 

Hướng giải pháp nào để ngăn chặn ma túy học đường?

Tại Tọa đàm, các em học sinh trường THPT Cẩm Phả cũng chia sẻ thêm về những kết quả nghiên cứu khoa học cấp thành phố mang tên “ Xây dựng hệ thống kỹ năng ứng xử với các vấn đề liên quan đến ma túy”, khảo sát trên 600 học sinh của trường.

 

Trước hết , với tư cách là những người con, các bạn HS mong rằng các bác phụ huynh có thể thường xuyên quan tâm đến con cái của mình, sẽ luôn nắm được tình hình của con cái từ học tập cho tới những mối quan hệ bạn bè, sự tương tác với cộng đồng để khi xảy ra các tình huống nguy cơ về ma túy các cô các bác có thể biết và đồng hành cùng con trong xử lý tình huống.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần trang bị kiến thức về ma túy các kỹ năng ứng xử với các vấn đề liên quan đến ma túy thông qua các trang web uy tín, chính thống hoặc có thể cho con em mình tham gia vào các hoạt động cộng đồng, các buổi truyền thông tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, kĩ năng ứng xử với các vấn đề liên quan đến ma túy để giáo dục con cái của mình. Phụ huynh có ý thức giáo dục con cái về những vấn đề liên quan đến ma túy là vô cùng cần thiết và quan trọng.

 

Về phía nhà trường, cần trang bị những kiến thức cơ bản về ma túy như cách nhận biết đặc điểm các loại ma túy, tác hại chính xác của từng loại,...là hết sức cấp thiết. Hơn nữa, các thầy cô còn có trách nhiệm giúp các bạn nắm được các kĩ năng ứng xử, xử lý tình huống phù hợp và linh hoạt khi gặp phải các trường hợp khác nhau liên quan đến ma túy có mục đích dụ dỗ, lôi kéo các bạn SDMT để các bạn tự phòng tránh cho bản thân.

 

"Không ai có thể bảo vệ các bạn hoàn toàn khỏi những cái bẫy chết người đó tốt hơn chính bản thân các bạn, chúng ta phải là những người có kiến thức và luôn ý thức để chủ động tránh xa ma túy". Đó là lời nhắn nhủ của các em HS gửi đến các bạn trường THPT Cẩm Phả, cũng như tất cả các bạn HS trên mọi miền đất nước.

Truyền thông PSD

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD