Nhiều nước mạnh tay xử lý bóng cười

Mặc dù chưa bị đưa vào danh mục chất ma túy nhưng bóng cười (chứa khí Nitrous Oxide - N2O)  đang được nhiều nước trên thế giới tăng cường quản lý, thậm chí xử lý hình sự.

Từ 8/11/1023, Chính phủ Anh cấm sử dụng bóng cười (BC), người vi phạm nhiều lần có thể bị phạt hai năm tù và người buôn bán có thể lĩnh án 14 năm tù.

Theo quy định mới của chính phủ Anh, người hít BC có thể đối mặt mức phạt tiền không giới hạn, phạt lao động công ích, lưu trong hồ sơ phạm tội.

Lệnh cấm được áp dụng theo Đạo luật về Lạm dụng các chất gây nghiện năm 1971."Hôm nay, chúng tôi gửi tới mọi người thông điệp rõ ràng, nhất là người trẻ, rằng việc lạm dụng khí N2O không chỉ nguy hiểm tới sức khỏe mà còn phạm pháp", Thứ trưởng Bộ Phòng chống tội phạm, cảnh sát và cứu hỏa Anh Chris Philp ra tuyên bố.

 Luật pháp Anh từ trước đã cấm hành vi "cố tình hoặc bất cẩn" cung cấp khí N2O ngoài mục đích y tế. Tuy nhiên, loại chất này vẫn dễ dàng được tìm mua trên mạng hay trên đường phố Anh. BC là chất kích thích phổ biến thứ tư tại Anh, theo nghiên cứu đánh giá toàn cầu vào năm 2015.

 

Hà Lan sẽ cấm bóng cười

Trong giai đoạn từ năm 2013 - 2014, gần 500.000 thanh niên Anh đã sử dụng khí N2O tại các tụ điểm vui chơi. Nó được giới trẻ rất ưa chuộng khi có khoảng 7,6% người trong độ tuổi 16 - 24 sử dụng. Con số này còn lớn hơn tỷ lệ sử dụng cocaine (4,2%) và thuốc lắc (3,9%). Từ năm 2006 - 2012, đã có 17 ca tử vong liên quan tới việc sử dụng BC tại Anh.

Từ tháng 12/2019, Chính phủ Hà Lan đã lên kế hoạch cấm bán BC cho mục đích giải trí.

Tại Hà Lan nhiều năm qua, khí cười và một số chất gây nghiện được sử dụng hợp pháp. Tuy nhiên, giới chức nước này đã ngày càng lo ngại khi khí gây cười phổ biến.

Đại diện cảnh sát Hà Lan cho biết, số lượng tài xế sử dụng khí cười cũng tăng vọt. Trước bối cảnh đó, nhà chức trách Hà Lan đã công bố kế hoạch đưa khí cười vào danh sách các chất gây nghiện bị cấm sử dụng. Thứ trưởng Bộ Y tế Hà Lan, Paul Blockhuis cho biết việc sử dụng khí N2O để giải trí đang trở thành vấn nạn tại quốc gia này. Cách duy nhất để giải quyết chính là tăng cường luật pháp.

Bộ Y tế nước này lên kế hoạch đưa "khí cười" vào danh sách thuốc phiện loại B, cùng với cần sa và lá khát (loại lá chứa cathinone và cathine gây kích thích giống ma túy tổng hợp).

Theo luật, người dùng không phải đối mặt với các cáo buộc hình sự. Tuy nhiên, hoạt động tàng trữ, buôn bán, sản xuất và nhập lậu oxit nitơ bị coi là bất hợp pháp.

 

Tại Mỹ, trên phạm vi quốc gia, khí N2O không bị cấm. Tuy nhiên, nhiều bang ở Mỹ cấm bán hoặc phân phối loại khí này cho người chưa thành niên hoặc sử dụng vào mục đích giải trí. Thành phố New York còn quy định sở hữu N2O để dùng vào việc hít hoặc bán kiếm lời là hành vi phạm pháp.Mỹ cũng là một trong những nước sử dụng bóng cười nhiều nhất thế giới. Theo hãng tin BBC, mỗi năm tại nước này có 15 trường hợp chết vì BC.

Tại khu vực châu Á, Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã liệt khí cười vào danh sách các chất bị kiểm soát từ cuối năm 2020.

Theo EMCDDA (Trung tâm Giám sát ma túy và nghiện ma túy của Liên minh châu Âu) có trụ sở tại Lisbon (Bồ Đào Nha), việc hít "khí cười" - loại khí tạo cảm giác hưng phấn, thư giãn và ảo giác - đang ngày càng gia tăng ở châu Âu do loại khí hóa học này luôn sẵn có, không bị kiểm soát, giá thành rẻ, dễ dùng và nhận thức sai lầm rằng sử dụng khí này an toàn. Loại khí này cũng được mua bán và sử dụng rộng rãi, hợp pháp trong lĩnh vực y tế, công nghiệp và thương mại. 

Theo các chuyên gia, bóng cười bắt đầu thịnh hành khắp thế giới trong vòng 10 năm.Kể từ năm 2017, một số nước châu Âu đã đặc biệt quan ngại về việc sử dụng phổ biến "khí cười". Tại Đan Mạch, số trường hợp bị ngộ độc "khí cười" đã tăng từ 16 trường hợp trong năm 2015 lên 73 trường hợp trong năm ngoái. Tại Pháp, tăng từ 10 trường hợp năm 2017 lên 134 vào năm 2020, trong khi Hà Lan ghi nhận 144 trường hợp vào năm 2020 và số vụ tai nạn ô tô tăng mạnh do lái xe trong tình trạng say khí cười. Trong khi đó, tại Anh, N2O là chất gây nghiện được sử dụng phổ biến thứ hai ở thanh niên từ 16-24 tuổi, sau ma túy. 

Bóng cười từ lâu đã trở thành thú tiêu khiển phố biến trong giới trẻ ở nhiều nước Đông Nam Á, giờ đây đã xuất hiện ở Lào.

BC chứa khí N2O xuất hiện ở Thái Lan từ những năm 2013, bắt đầu dọc theo khu phố Khao San nổi tiếng tại Bangkok, với mức giá từ 50-150 bath, các sản phẩm này cũng được cung cấp cho khách trong các quán bar và hộp đêm, theo The Nation.

Việc sử dụng BC để giải trí từ đó lan rộng ra khắp Thái Lan và đến nhiều nước trong Đông Nam Á. Với việc có một lượng lớn khách Thái đến Lào mỗi năm, thú vui này chắc sẽ phổ biến tại Lào, được coi là một phần của mỗi cuộc tiệc tùng, theo Laotiane Times.

Một du khách nước ngoài tại Lào khi được hỏi cho biết bóng cười hiện đã rất phố biến ở các quán bar tại thủ đô Vientiane và thị trấn du lịch Vang Vieng ở cách đó không xa.

Luật gia Nguyễn Đức, cho biết theo Công ước quốc tế về ma túy, chất N2O được bơm trong “bóng cười” chưa xếp vào danh mục tiền chất hay chất gây nghiện tương tự ma túy, cho nên việc xử lý là chưa có quy định. Song trên thực tế, việc sử dụng loại khí này cũng có thể gây ảo giác, có dấu hiệu tương tự sử dụng ma túy tổng hợp, việc hít bóng cười hay khí cười ảnh hưởng trực tiếp tới tim mạch, hệ thần kinh mà hậu quả xấu nhất nếu lạm dụng là dẫn tới trầm cảm hoặc thiệt mạng. Hiện nay, khí cười tạo cảm giác hưng phấn, thường được cung cấp tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke. Đây là mục đích sử dụng không được ủng hộ, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn của Chính phủ điều chỉnh hiện tượng này.

Tuy nhiên, một số địa phương như Hà Nội đã có động thái cấm và xử phạt hành chính các hành vi sử dụng khí cười với mục đích tiêu khiển.

L.H (tổng hợp)

 

 

 

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD