Nghiện ma túy – “Nhận thức đúng để hành động đúng”

TS. John Hamilton (Giám đốc điều hành Mạng lưới các Chương trình Hồi phục đến từ Mỹ) cho biết, “nghiện ma túy là một bệnh của não bộ thể hiện thành hành vi mang tính ham muốn… Chúng ta cần nhìn nhận và điều trị nghiện như một bệnh mãn tính, tái phát”.

 

1. Sự thay đổi quan điểm về nghiện ma túy

 

Trong một thời gian dài, xã hội coi những người nghiện ma túy là thành phần xấu của xã hội. Họ bị gắn mác là “trộm cắp, cướp giật hay tù tội”, là những người không chịu lao động, lười biếng, thích hưởng thụ. Chính vì vậy, mọi người có tâm lý đề phòng, sợ hãi và xa lánh những người nghiện ma túy.

 

Gần đây, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra: Ma túy khi được đưa vào cơ thể, đã tác động trực tiếp lên tế bào thần kinh trung ương, kích thích trạng thái hưng phấn và khoái cảm. Việc sử dụng ma túy thường xuyên và kéo dài trong một thời gian đã dẫn đến tình trạng lệ thuộc vào ma túy (hay còn gọi là nghiện). Khi nghiện, họ bị mất kiểm soát, phải dùng ma túy liên tục với liều lượng ngày càng tăng do cơ thể đã quen với sự có mặt của chất dạng thuốc phiện ngoại sinh.

 

Việc sử dụng ma túy nhiều lần tạo ra những thay đổi trường diễn trong não bộ dẫn đến khả năng kiềm chế bản thân của người nghiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu muốn cải thiện có hiệu quả tình trạng nghiện, chúng ta phải thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận về vấn đề nghiện ma túy.

 

2. Nhận thức đúng để hành động đúng

 

Một thực tế là hiện nay quan điểm của xã hội đã ngày càng tiến bộ và khách quan hơn, nhưng vẫn còn tồn tại những quan điểm sai lệch ở một số tầng lớp nhân dân và sự kỳ thị của cộng đồng vẫn đang trở thành những rào cản lớn khiến người nghiện gặp nhiều khó khăn trên con đường trở về với hoàn lương. Đặc biệt, trong lĩnh vực “truyền thông” - lĩnh vực đòi hỏi sự chính xác, đúng, đủ và khách quan; là phương tiện tuyên truyền, giáo dục có tác động mạnh mẽ nhất lại mắc phải một số sai lầm khi đưa ra những nguồn thông tin sai lệch, như: Một tờ báo trong nước đã đề cao sự trong sạch, bình yên trên địa bàn bằng giải pháp dồn tất cả những người nghiện đi cai tập trung mà không có bất cứ quyền biện hộ nào. Hay sự kỳ thị của người dân được trích dẫn: “Sau khi “quét sạch” bóng con nghiện, mọi người đã bớt đi rất nhiều tâm lý lo sợ mỗi khi “cực chẳng đã” giáp mặt với con nghiện”- anh Nguyễn Hoàng T (quận 1, TPHCM).

 

Ma túy tác động trực tiếp đến não bộ (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

 

Chính vì vậy, để đem đến cái nhìn toàn diện và khuynh hướng thực hiện dài hơi song bền vững của công tác phòng, chống ma túy, bài viết này tập trung nhấn mạnh hướng đi đúng đắn của công tác truyền thông trong việc nâng cao nhận thức của toàn dân về “Nghiện ma túy” dưới góc độ là một bệnh mãn tính, thông qua:

 

- Phương tiện truyền thông đại chúng (đài báo, internet,…) xây dựng nội dung truyền thông theo đúng định hướng của nhà nước đó là “nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ…” - một bệnh có khả năng chữa được và cần chữa trị lâu dài. Vì vậy các thông điệp truyền thông cần rõ ràng, chính xác để người dân không hiểu lầm, khuyến khích cộng đồng cùng chung tay chia sẻ, giúp đỡ những người nghiện cai nghiện để làm lại cuộc đời.

 

- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục trong học đường, bởi các em học sinh là lứa tuổi chưa thực sự trưởng thành, đề cao cái tôi, dễ bị ảnh hưởng tâm lý và nhạy cảm với những điều mới lạ. Do đó, các nội dung truyền thông tại trường học cần cung cấp kiến thức đầy đủ cho các em để giúp các em hiểu và tự xây dựng cho mình kỹ năng phòng chống tác hại của ma túy; đồng thời, chung tay ngăn chặn nạn ma túy xâm nhập vào trường học thông qua việc học đi đôi với hành. Bên cạnh việc lồng ghép nội dung phòng, chống ma túy trong các môn học (đạo đức, giáo dục công dân…), các em sẽ tham gia các hoạt động ngoại khóa như: đến thăm trung tâm cắt cơn, xem các bộ phim tư liệu về tác hại của ma túy, nói chuyện – giao lưu với người thật việc thật…

 

- Đối với gia đình: Cần thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan đến ma túy để trang bị kiến thức về tác hại của những loại ma túy khác nhau, trong đó, đáng chú ý là các loại ma túy trá hình (shisha, bóng cười..). Hơn nữa, mỗi gia đình cần được hướng dẫn cách phát hiện người sử dụng ma túy để kịp thời ngăn chặn và có biện pháp giải quyết phù hợp và linh hoạt, đặc biệt với đối tượng là các em học sinh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh mục tiêu xây dựng các khu dân cư văn hóa, nói “không” với ma túy, góp phần tạo nên sức mạnh chung của tập thể trong phòng, chống ma túy. Đối với các gia đình có con, em nghiện ma túy cần được cung cấp các thông tin về các dịch vụ hỗ trợ cần thiết tại địa bàn, như: Các trung tâm y tế; bệnh viện; các trung tâm tư vấn hay các trung tâm xã hội có hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng.

 

Cần xóa bỏ sự kỳ thị, giúp người nghiện ma túy sống hòa nhập với cộng đồng

(ảnh:PSD)

- Đối với người nghiện ma túy: Đi cai với cảm giác như đi chữa bệnh sẽ giúp nhiều người muốn cai và tự tin đối mặt với vấn đề nghiện của bản thân. Khi đó, người nghiện sẽ xóa bỏ mặc cảm, lấy lại niềm tin và nêu cao quyết tâm từ bỏ ma túy. Với các biện pháp tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp thiết thực sẽ giúp họ có hy vọng và mục đích sống tốt đẹp hơn khi hòa nhập cộng đồng.

 

Thiết nghĩ, với sự định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự tham gia tích cực của hoạt động truyền thông cũng như từ phía gia đình và toàn xã hội, thì khi đó đối tượng thụ hưởng là những người nghiện ma túy sẽ được nhìn nhận đúng và khách quan nhất. Từ đó, giúp họ tiếp cận với các giải pháp trợ giúp hiệu quả, nâng cao chức năng xã hội của bản thân, tiến tới từ bỏ ma túy và hòa nhập với cộng đồng, góp phần tháo gỡ mắt xích quan trọng trong công cuộc phòng, chống ma túy.

 

Truyền thông PSD

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD