Năm Quý Mão và bước tiến mới của Phòng chống ma túy trong trường học
Việc sử dụng ma túy tràn lan và phức tạp như hiện nay gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng tới nền kinh tế, xã hội, an ninh trật tự của đất nước. Ma túy tác động đến giới trẻ sẽ làm ảnh hưởng tới sự phát triển của thế hệ tương lai của đất nước, tác động tiêu cực và lâu dài tới sức khỏe, tâm sinh lý lứa tuổi
Người nghiện ma túy và tội phạm về ma túy gia tăng và có chiều hướng phức tạp
Một thực tế đáng báo động là hiện nay, tình hình sử dụng ma túy ở nước ta ngày càng phức tạp, gia tăng về số lượng, trẻ hóa độ tuổi, cùng với việc xuất hiện hàng trăm loại , ma túy tổng hợp mới...
Ma túy đang xâm nhập ngày càng phức tạp vào lứa tuổi học đường, thanh thiếu niên, học sinh sinh viên. Theo số liệu từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, năm 2020, có 70% số người nghiện có hồ sơ quản lý dưới 30 tuổi, 5% trong độ tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi), và trẻ em là 50% (dưới 16 tuổi). Tỉ lệ người nghiện trẻ tuổi gia tăng chóng mặt đó so với thập niên 90, số lượng người nghiện trong độ tuổi thanh thiếu niên chỉ là 42%.
Ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp có thành phần phức tạp.. Trước đây, heroin được biết đến nhiều thì nay là thời kỳ của ma túy tổng hợp. Chúng tồn tại dưới nhiều hình thức, chủng loại phức tạp từ, “nước vui” kẹo mút, thuốc lắc, “nước biển”, “GHB”, tem giấy, ma túy được trà trộn vào dung dịch của thuốc lá điện tử… Thậm chí chúng rất dễ mua, dễ sử dụng, phổ biến, giá thành rẻ.
Việc sử dụng ma túy tràn lan và phức tạp như hiện nay gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng tới nền kinh tế, xã hội, an ninh trật tự của đất nước. Ma túy tác động đến giới trẻ sẽ làm ảnh hưởng tới sự phát triển của thế hệ tương lai của đất nước, tác động tiêu cực và lâu dài tới sức khỏe, tâm sinh lý lứa tuổi, gây suy thoái về đạo đức và làm mất đi giá trị thẩm mỹ, văn hóa tốt đẹp, lâu đời của dân tộc Việt Nam. Ma túy không chỉ làm tan nát cuộc sống của mỗi gia đình người nghiện, mà còn làm tăng tỉ lệ các loại tội phạm có liên quan như trộm cắp, giết người, lừa đảo, băng nhóm, mại dâm, cờ bạc… là nguyên nhân của những vụ án đầy thương tâm và dã man gây nhức nhối trong dư luận thời gian qua.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” - việc xử lý những tác hại và hậu quả do ma túy để lại gây tốn kém nhiều công sức, nguồn lực, thời gian, tiền, của hơn rất nhiều lần so với việc đầu tư cho công tác tập huấn, đào tạo, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa sử dụng và lạm dụng ma túy. Điều này vô cùng quan trọng, cấp bách, cần thiết phải thực hiện, nhất là đối với ngành giáo dục, nơi trực tiếp đào tạo cho các em học sinh, sinh viên, đào tạo ra nguồn lực lao động chính trong tương lai của đất nước, cần có sự quan tâm, giáo dục, theo dõi, chăm sóc đồng thời từ phía nhà trường, gia đình, xã hội. Nếu không được sự quan tâm đúng và đầy đủ, việc thiếu hụt kiến thức, kỹ năng, cùng với sự phát triển và thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi trong nhóm độ tuổi này dễ có nguy cơ bị lôi kéo, dụ dỗ, dẫn tới hành vi kích động, sai trái. Vì thế mà ngành giáo dục có vai trò, trách nhiệm vô cùng quan trọng trong công việc đào tạo, giáo dục kỹ năng, kiến thức về phòng chống ma túy (PCMT) trong nhà trường.
Công tác phòng ngừa (giảm cầu) là một trong 3 trụ cột để công tác phòng, chống ma túy có hiệu quả: Giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại.
Ý nghĩa thực tiễn của việc thực hiện 5 nhiệm vụ
Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy (Viện PSD) vinh dự là đơn vị được Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện công tác phòng chống ma túy trong trường học thực hiện 5 nhiệm vụ, gồm có: Nhiệm vụ 1: tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng công tác phòng chống ma túy trong trường học; Nhiệm vụ 2: Tổ chức các chương trình tuyên truyền, tập huấn công tác phòng chống AIDS, ma túy mại dâm, tệ nạn xã hội cho học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn, Đội của các nhà trường trên toàn quốc; Nhiệm vụ 3: xã hội hóa các chương trình tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội trong trường học; Nhiệm vụ 4: phối hợp thí điểm xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể (thông qua xét nghiệm nước tiểu) cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường; Nhiệm vụ 5: triển khai bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Với tình hình tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp như hiện nay, việc khảo sát, đánh giá thực trạng phòng chống ma túy trong trường học, đồng thời với phối hợp thí điểm xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể (thông qua xét nghiệm nước tiểu) cho học sinh là việc cần phải tiến hành định kỳ, thường xuyên để kịp thời sàng lọc, phân loại, phát hiện các trường hợp sử dụng ma túy trong trường học, đồng thời đây là nguồn tư liệu quý để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, xây dưng chiến lược, chương trình, kế hoạch, giải pháp phòng ngừa trước mắt và lâu dài dựa trên các số liệu tổng hợp từ thực tế.
Việc tổ chức các chương trình tuyên truyền, tập huấn công tác phòng chống AIDS, ma túy mại dâm, tệ nạn xã hội cho học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn, Đội của các nhà trường trên toàn quốc, phải kết hợp với việc triển khai bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh và học sinh để đạt được kết quả tốt nhất.
Nói về bộ tài liệu 4 cuốn sách “Kỹ năng phòng, chống ma túy (dành cho 4 nhóm đối tượng: cán bộ quản lý và giáo viên; cha mẹ phụ huynh học sinh; học sinh THCS; học sinh THPT) được sử dụng trong công tác tập huấn, đào tạo và phổ biến kiến thức, kỹ năng nhận biết, phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là bộ tài liệu được dày công biên soạn bởi đội ngũ chuyên gia là các nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia tâm lý học hàng đầu tại Việt Nam, những người tâm huyết với công tác phòng chống ma túy, là nguồn tài liệu quý không chỉ để phục vụ trong việc triển khai các nhiệm vụ phòng chống ma túy mà còn là tài liệu vô cùng cần thiết cần có trong tủ sách của mỗi gia đình, giúp cung cấp thông tin chính xác, hữu ích và xử lý chính xác các tình huống nguy cơ thực tế xảy ra trong cuộc sống..
Vì thế, việc triển khai bộ tài liệu cần sự quan tâm, chú trọng, từ khâu truyền thông bộ sách thông qua các buổi giới thiệu, mit tinh, hội thảo chuyên đề, phát hành để gia tăng số lượng người tiếp cận. Đồng thời, việc tập huấn bộ tài liệu kỹ năng cho nhóm các đối tượng có nguy cơ cao và đối tượng có liên quan gồm có cha mẹ phụ huynh, học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên các trường, để đảm bảo việc đọc, hiểu và áp dụng đúng, đủ các kiến thức, kỹ năng trong bộ sách vào thực tế.
Kết quả đáng ghi nhận
Sau hai năm (2021-2022) tiến hành triển khai các nhiệm vụ, có thể thấy được những chuyển biến tích cực. Việc phòng chống ma túy và các chất gây nghiện đã chuyển hướng tiếp cận mang tính thực tế hơn, từ phương pháp cũ là tuyên truyền, phổ biến thông tin chung về tình hình ma túy như trước nay vẫn thực hiện, sang phương pháp mới là tập huấn, đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, giáo dục kỹ năng phòng ngừa sử dụng chất ma túy, chất; thực hành nhận biết các loại ma túy.. Điều này hoàn toàn phù hợp với khuyến nghị của Liên hợp quốc về việc áp dụng Chuẩn quốc tế về dự phòng sử dụng ma túy cho các nước trên thế giới và đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện.
Trong số 19 tỉnh, thành phố (chiếm 30% số tỉnh, thành phố của cả nước) đã phê duyệt kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, Viện PSD đã nhận được những đánh giá khá tích cực, nhiều đóng góp mang tính khích lệ và xây dựng cho chương trình triển khai ngày một tốt hơn. Phần lớn các giáo viên và học sinh mong muốn đổi mới chương trình phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội trong nhà trường, thường xuyên và định kỳ đào tạo sâu hơn, tập huấn kỹ năng phòng chống ma túy trong trường học.
Cán bộ quản lý nhà trường và giáo viên đều mong muốn nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất phòng ngừa ma túy hiện nay còn nghèo nàn, sơ sài, và ưu tiên bổ sung thêm nguồn kinh phí mà trước nay chưa từng có cho công tác phòng chống ma túy trong trường học, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng cần triển khai thường xuyên.
Đối với học sinh, qua những chương trình tập huấn, các em đánh giá là rất hữu ích và thiết thực, được nhận biết cụ thể, hiểu rõ và phân biệt thông qua các công cụ giảng dạy vô cùng trực quan, nhờ đó mà ghi nhớ tốt hơn về các chất gây nghiện, các tình huống nguy cơ và cách phòng tránh sử dụng ma túy, khác hẳn so với cách thức tuyên truyền trước đây, không thực tế, hiệu quả không cao. Các em cũng mong muốn bộ tài liệu được truyền tải qua internet với hình thức phù hợp sẽ nhanh chóng đến nhiều người hơn và tăng tính hiệu quả.
Thông qua nhiệm vụ khảo sát tình hình, đánh giá thực trạng phòng chống ma túy trong trường học và xét nghiệm chất gây nghiện (thông qua xét nghiệm nước tiểu) cho học sinh trong hai năm vừa qua, cũng đã có những kết quả tổng hợp về sự hiểu biết về các loại chất ma túy cùng tác hại của chúng trong nhóm đối tượng là giáo viên, học sinh, từ đó đưa ra những số liệu cực kỳ quan trọng trong công tác PCMT. Nhờ việc xét nghiệm chất ma túy tại trường học, mà Viện PSD phối hợp với nhà trường tham gia chương trình cũng đã phát hiện ra những trường hợp dương tính với chất gây nghiện và sàng lọc thêm qua phỏng vấn sâu để có phương án trị liệu tâm lý phù hợp cho các em. Từ đó mà nhà trường cũng có những biện pháp tăng cường quản lý, giáo dục hơn, áp dụng những kiến thức, kỹ năng về phòng chống ma túy đã được tập huấn vào việc đào tạo, theo dõi và giám sát các em học sinh được hiệu quả hơn.
Ảnh: Một buổi khảo sát thực trạng phòng chống ma túy trong trường học và xét nghiệm chất gây nghiện (thông qua xét nghiệm nước tiểu) cho học sinh tỉnh Thái Nguyên do Viện PSD phối hợp thực hiện.
Những kết quả tích cực đã đạt được trên đây là nguồn động viên vô cùng to lớn để cán bộ lãnh đạo, chuyên viên Viện PSD hăng say hơn nữa trong công việc nguyên cứu, đào tạo, bổ sung thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, “truyền lửa” nhiều hơn cho nhiều đối tượng trong công cuộc phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội.
Cần tăng cường hơn nữa
Việc triển khai 5 nhiệm vụ bước đầu đã đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn. Cụ thể, tiến độ thực hiện công việc chưa đạt yêu cầu như kế hoạch đề ra, một phần khách quan do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, một phần chủ quan do công tác phối hợp giữa các bên liên quan còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng và kịp thời về nguồn lực dẫn tới việc triển khai thực hiện bị chậm trễ.
Thêm vào đó, việc phối hợp công việc với các sở, các trường còn nhiều khó khăn, phức tạp, tốn nhiều thời gian trong khâu xử lý giấy tờ thủ tục hành chính. Tại nhiều địa phương, các cấp chính quyền, cán bộ chưa thực sự quan tâm đúng mức với việc phối hợp triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ dẫn tới xử lý chậm trễ, kéo dài. Còn hơn 10 tỉnh, thành phố (trong đó có các thành phố lớn, tình hình sử dụng ma túy phức tạp như ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) chưa có sự phối hợp chặt chẽ để xây dựng và triển khai kế hoạch nên chưa có tiến triển..
Từ những khó khăn kể trên, cùng với thực tế cấp bách trong việc phòng ngừa sử dụng ma túy và tình hình tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội ngày một diễn biến phức tạp như hiện nay, Viện PSD mong muốn có sự quan tâm thường xuyên, chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đồng thời với sự ưu tiên từ Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác phối hợp triển khai 5 nhiệm vụ phòng chống ma túy trong thời gian tới.
Đặc biệt là mong các cấp, các ngành quan tâm bổ sung kịp thời nguồn kinh phí để triển khai công việc được kịp thời, suôn sẻ, nhằm mục tiêu ngày càng nhiều đối tượng, đơn vị được tham gia tập huấn, đào tạo kỹ năng về phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội về ma túy, ngày càng nhiều tầng lớp người dân trong xã hội được tiếp cận, đọc, hiểu và thực hành các kiến thức về phòng chống ma túy thông qua bộ 4 cuốn sách kỹ năng phòng chống ma túy mà Viện PSD đã và đang triển khai và đạt kết quả tốt thời gian qua.
Trong không khí đón xuân Quý Mão 2023, năm mới với nhiều hi vọng mới, Viện PSD đã chuẩn bị kế hoạch để triển khai công tác phòng chống ma túy ngay từ đầu năm, hứa hẹn sẽ có nhiều hoạt động, tiếp cận các em học sinh, giáo viên và nhiều đối tượng, tầng lớp nhân dân để ai cũng biết đến tác hại của việc sử dụng ma túy và quan trọng hơn là chủ động nhận biết và các kỹ năng phòng ngừa cho bản thân, cho gia đình, giảm thiểu gánh nặng về kinh tế; đảm bảo an ninh trật tự cho xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hồng Ngọc