MỘT NGÀY Ở TRUNG TÂM NẺO VỀ

Nhìn học viên chia nhau chén trà, quả cam, không có tiếng cãi cọ, to tiếng, cán bộ và học viên thân thiết như anh em trong nhà, phương pháp cai nghiện có nhiều kết quả tốt… thì Nẻo Về có lẽ là một Trung tâm cai nghiện "thân thiện" - danh hiệu như nhiều người mơ ước xây dựng.

 

Đến ngã ba giữa thị trấn Hòa Mạc (Duy Tiên-Hà Nam), rẽ trái theo đường đi Hưng Yên, qua cầu Hòa Mạc chưa đến 100 mét là Trung tâm Nẻo về.

Cổng lợp ngói đỏ theo kiểu cổng biệt thự thanh lịch, phảng phất hình bóng mái chùa cổ, ẩn mình giữa hàng cây xanh tốt ven sông Châu Giang. Khung cổng phía trên hình vòng, cánh cổng là những thanh sắt hình chữ nhật, chiều ngang bằng ba đốt ngón tay, đan vào nhau cách điệu, sơn màu xanh nhạt mảnh mai như cánh cổng hoặc lớp cửa ngoài của các ngôi nhà ở thành phố. Trời cuối thu se lạnh. Cảm giác ban đầu là êm đềm, thân quen.

Như thường lệ, mỗi buổi sáng, khi chương trình Chào buổi sáng của VTV1 bắt đầu thì cũng là lúc Nẻo Về bỗng vỡ òa bằng tiếng hô thể dục của anh em học viên xen lẫn tiếng hót chào ngày mới với muôn thang bậc khác nhau của các loài chim trong dãy lồng bên tường. Chỗ này chơi đá cầu, cầu lông, chỗ kia tập tạ, xà đơn xà kép, thể hình. Tiếng nói cười không ngớt, trêu đùa nhau vui vẻ. Người ngoài khó có thể ngờ đó không khí buổi sáng của Trung tâm cai nghiện.

Bữa ăn sáng diễn ra nhanh, thực đơn hôm nay có mỳ nấu, cơm ăn với thịt kho, cháo cá, tùy chọn. Học viên và cán bộ ngồi ăn cùng. Ít phút sau, mọi người lại kéo ra dãy bàn đá ngoài sân uống nước trà, nước vối.

Tôi ngạc nhiên khi học viên ở đây được hút thuốc lá, thuốc lào. Anh Lã Văn Phong, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm cho biết:

-Đã có nhiều tranh luận khoa học trái chiều. Các Trung tâm của nhà nước thường cấm tiệt, có nơi còn cấm cả uống trà vì cũng là “chất kích thích” nhưng một số Trung tâm tự nguyện cho hút, học viên rất phấn khởi. Chúng tôi nghĩ, cai nghiện từ bỏ ma túy là một trải nghiệm vô cùng khó khăn về tâm sinh lý các em. Nên tập trung vào nội dung đó. Thuốc lá, thuốc lào có thể bỏ sau. Cho các em dùng thuốc lá, thuốc lào thực tế làm dịu đi những căng thẳng khi bỏ ma túy. Mặt khác, nó chống lại “tệ nạn” mua bán ngầm thuốc lá, thuốc lào với giá cắt cổ ở 1 số nơi. Chúng tôi khuyên các em hút điều độ, giảm dần, phòng chống hỏa hoạn, không được hút trong phòng ngủ, giữ vệ sinh môi trường…

Hoạt động buổi sáng chia thành các nhóm: nhóm khám bệnh, kiểm tra sức khỏe, nhóm tư vấn nhóm, nhóm đọc sách, ngồi thiền…

 

Phó Giám đốc phụ trách y tế Lê Thị Quỳnh cho biết:

-Học viên được thăm khám sức khỏe thường xuyên. Những bệnh thông thường Trung tâm lo chữa trị tại chỗ. Bệnh nặng, vượt quá khả năng y tế Trung tâm chúng tôi giới thiệu lên tuyến trên điều trị.

Ở đây chúng tôi đặc biệt quan tâm giai đoạn cắt cơn, theo dõi 24/24h, kết hợp phác đồ Bộ Y tế ban hành với bài thuốc do một lương y danh tiếng bào chế nên cắt cơn êm dịu, ít vật vã. Liệu pháp điều trị, nâng cao thể trạng không chỉ là thuốc thang mà còn là vận động, tập thể dục, ổn định tâm lý, tư duy tích cực…

 Anh thấy, K và N hai học viên có thâm niên dùng heroin mới vào Trung tâm chiều hôm qua nhưng sáng nay hai người vẫn có thể ra sân cùng vận động nhẹ với anh em. Học viên sau giai đoạn cắt cơn đều tăng cân, sức khỏe khá lên rõ rệt, tinh thần ổn định hơn.

Buổi tư vấn nhóm do tư vấn viên trẻ Trần Thị Thu Hà phụ trách có 6 học viên tham gia. Đây là những người đã cai nghiện từ hơn 1 tháng trở lên, tham gia trên cơ sở đánh giá sức khỏe tiến triển tốt. Nhiều nội dung nêu ra trong hơn một giờ. Không phải mọi vấn đề đều do chuyên viên tư vấn Hà xử lý mà tạo điều kiện, gợi mở cho anh em tự bàn bạc đưa ra cách thức xử lý giúp nhau. Những cách thức xử lý đó thường “tâm phục, khẩu phục” vì có tính thực tiễn.

Hà cho biết:

-Nhiệm vụ của tôi là tư vấn đầu vào tức là tư vấn cho học viên và thân nhân trước khi vào Trung tâm. Trong quá trình cai nghiện là tư vấn cá nhân và tư vấn nhóm theo lịch và quy định cụ thể. Còn trị liệu tâm lý thì do cán bộ Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (Viện PSD) thực hiện. Sáng sớm nay, 5 học viên đã cùng cán bộ quản lý về Hà Nội thực hiện hoạt động đó.

Tôi ngạc nhiên:

-Trị liệu tâm lý là gì? Sao không làm ngay ở đây mà phải lên tận Hà Nội?

Hà cho biết:

-Tư vấn rồi trị liệu tâm lý là một nội dung quan trọng của hoạt động cai nghiện nói chung. Nghiện ma túy là sự lệ thuộc cả thể chất và tâm lý nên cứ cai nghiện là có nội dung này. Có thể trình độ và sự quan tâm các Trung tâm là khác nhau. Riêng Trung tâm Nẻo Về là 1 đơn vị của Viện PSD được áp dụng chương trình trị liệu đặc biệt do Viện đã dày công nghiên cứu từ nhiều năm nay. Nếu một số Trung tâm khác, tâm lý trị liệu chỉ được dành khoảng 10-20% thì chúng tôi gần như dành cơ bản thời gian cai nghiện ở đây cho tâm lý trị liệu với liệu trình 3 giai đoạn. Đã có đánh giá kết quả bằng chứng rất tốt về phương pháp của Viện PSD.

 

 

Còn tại sao phải lên Hà Nội. Trị liệu viên vừa là chuyên gia nghiên cứu của Viện PSD đều có trình độ từ Thạc sỹ trở lên, có nhiều kinh nghiệm. Viện có cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị đo phản ứng của bộ não với ma túy từng thời gian. Đưa anh em lên Hà Nội trị liệu mỗi tuần hai lần, sáng đi, chiều về, một công đôi việc, để đánh giá, thử thách, rèn luyện phản ứng của học viên với môi trường xã hội thực tế để phòng tránh tái nghiện sau này về cộng đồng. Và nhiều năm nay chưa có ai bỏ trốn hoặc lợi dụng mua, sử dụng ma túy khi lên Hà Nội.

Trong cai nghiện, người ta thường nói đến hoạt động quản lý "ca". Tức là với những trường hợp có tính đặc biệt thì tập trung theo dõi, trị liệu tâm lý, giúp đỡ… Nhưng ở đây, mọi học viên đều là "ca" được quan tâm giúp đỡ mọi mặt.

Dời nhóm tư vấn, tôi đến nhóm thiền và đọc sách có vẻ thư giãn hơn. Trong căn phòng lớn có các bức tượng Phật, các học viên ngồi đặt tay lên đùi, mắt khép hờ, thả lỏng, tĩnh tâm, các động tác theo hướng dẫn của chuyên gia. Theo y học, thiền giúp làm giảm đau, kéo dài tuổi thọ, giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ, kiểm soát tình trạng lo âu, cải thiện sức khỏe tinh thần, hỗ trợ điều trị chứng giảm trí nhớ… tốt cho người cai nghiện.

 

 

 

L- một học viên từng là chủ doanh nghiệp. Công việc làm ăn đang phát triển thuận lợi thì dính vào ma túy. Có sự động viên của gia đình, L vào đây cai được 3 tháng.

Tôi hỏi:

-Em đang đọc sách gì?

- Tủ sách có nhiều loại anh ạ. Người thì thích đọc truyện ngắn, tiểu thuyết. Người thích đọc thơ. Người thích sách lịch sử…Riêng em chuyên chú vào sách có chủ đề nghệ thuật kinh doanh để sau này tiếp tục công việc làm ăn em yêu thích và tự thấy có chút năng khiếu. Em đọc để học tập và bù lại thời gian gắn với ma túy mà em đã đánh mất.

Nhìn L lạc quan, ánh mắt ngời lên hy vọng tôi cũng yên tâm.

Chẳng mấy lúc đến giờ nghỉ trưa. Vẫn học viên và cán bộ ngồi cùng mâm. Món ăn khá đa dạng, đổi món hàng ngày. Đầu bếp Phượng vừa mang thêm cơm cho từng bàn vừa tâm sự vui vẻ:

-Ở đây không có khái niệm thiếu cơm, thiếu chất anh ạ. Tiêu chuẩn cũng có 100.000 đồng/ngày (3 bữa) nhưng chúng em luôn tìm cách để thay đổi món nên mọi người đều thấy hài lòng. Vả lại, giá cả ở đây cũng rẻ hơn Hà Nội. Xung quanh đây nhiều hồ ao, ruộng lúa, thỉnh thoảng em lại đi bắt cá, có hôm được thùng lớn tôm cá đồng cải thiện cho anh em. Khoản bắt cá là "tài lẻ" của em .

Hàng tháng, Trung tâm cho anh em đi píc níc, thư giãn, trải nghiệm ở nhiều nơi.

Có ba việc nữa gây ấn tượng với tôi.

Việc thứ nhất là nơi ở của học viên. Phòng nào rộng rãi cũng có tivi đời mới, nước nóng lạnh, điều hòa nhiệt độ, quạt máy, tủ lạnh. Mỗi phòng bố trí 4 giường rộng 1m2. Phòng vệ sinh riêng, rộng, gạch men bóng loáng, sạch bong, các thiết bị đều mới. Lúc đầu, trung tâm bố trí nhân viên dọn vệ sinh hàng ngày. Sau học viên phân công quay vòng tự nguyện làm việc này. Mọi người đều có ý thức giữ vệ sinh chung. Do vậy, phòng ở không hề có "mùi" người nghiện như các cơ sở cai nghiện khác tôi đã đến.

 Việc thứ hai: cán bộ quản lý ở cùng phòng với học viên. Trước đây, đến một số Trung tâm, thấy phòng cán bộ ở đầu dãy nhà của học viên, tôi đã thấy gần gũi. Còn bây giờ một phòng 4 giường thì một của cán bộ.

Tôi hỏi cán bộ quản lý Hoàng Minh:

-Nằm như thế có cần, có gì bất tiện không?

Anh nói:

-Không bất tiện chút nào. Ở với anh em, vừa động viên, vừa nắm thêm tâm tư, hoàn cảnh từng người để giúp đỡ. Về phía anh em cũng vui vì cán bộ cùng hòa đồng, chia sẻ. Có lúc tôi muốn đi nằm chỗ khác nhưng anh em kiên quyết xin giữ lại. Điều cốt yếu là làm sao cho anh em tin tưởng vào sự chân thành của mình.

Việc thứ ba: cán bộ quản lý ở đây nhiều người từng là học viên của chính Trung tâm này. Nguyễn Thành Chung, Hoàng Văn Minh, anh Vinh, anh Chung (b)… đã từng là những người sử dụng các loại ma túy. Qua quá trình cai nghiện đã đoạn tuyệt với ma túy hoàn toàn và được thử thách nhiều lần, có kỹ năng quản lý học viên, có nguyện vọng ở lại để tiếp tục phấn đấu cho vững vàng hơn và muốn cống hiến giúp đỡ người nghiện. Các anh được Viện PSD tiếp nhận, trả lương và không phụ lòng tin của mọi người. Bằng tấm lòng, nhiệt tình, sự gương mẫu và sự hiểu biết hoàn cảnh, tâm lý người nghiện các anh đã nhanh chóng cảm hóa học viên, được mọi người yêu mến, kính trọng kể cả những người khi mới vào Trung tâm chống đối gay gắt.

 

Cũng có 1 số anh em sau cai nghiện về nhà một thời gian, tái sử dụng ma túy, vui vẻ quay lại Trung tâm điều trị và được Trung tâm ân cần tiếp nhận lại.

"Có nạn đầu gối, đại bàng, cán bộ ăn chặn học viên không"-Tôi bí mật thăm dò nhiều người. "Không, không bao giờ có"- tất cả đều khẳng định. Thậm chí một học viên khó chịu: "Nếu anh còn đả động đến việc đó là xúc phạm đến chúng tôi đấy!".

Nhìn hàng rào Trung tâm không cao, không "hầm hố" để đề phòng học viên trốn, tôi hơi băn khoăn thì anh Lã Văn Phong giải đáp:

-Hàng rào cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là "hàng rào" trong lòng người. Một khi tất cả anh em học viên về đây được cảm hóa, được tôn trọng thực sự, được chăm sóc, cai nghiện chu đáo, thấy được tương lại phía trước… thì đấy là hàng rào chống trốn vững chắc nhất.

Quả đúng vậy, dù một ngày chưa khám phá hết những điều thú vị ở Nẻo Về nhưng nhìn học viên chia nhau chén trà, quả cam, không có tiếng cãi cọ, to tiếng, cán bộ và học viên thân thiết như anh em trong nhà, phương pháp cai nghiện có nhiều kết quả tốt… thì đây có lẽ là một Trung tâm cai nghiện "thân thiện"- danh hiệu như nhiều người mơ ước xây dựng.

Hồng Minh

 

 

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD