Ma túy đang “xuyên thủng” các cửa khẩu để vào Việt Nam

Việt Nam là một mắt xích trong các đường dây buôn bán ma túy quốc tế.

Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng của Việt Nam liên tục bắt giữ các vụ án ma túy “khủng”, các đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia có tính chất ngày càng nghiêm trọng, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện.

Các vụ vận chuyển ma túy từ các ngả đường khác nhau vào Việt Nam có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài: qua cửa khẩu biên giới phía Bắc và qua đường biên giới phía Tây-Nam với số lượng lớn, như:

Ngày 17/2, tại Hà Tĩnh, lực lượng chức năng đã bắt giữ xe ô tô biển Lào và một đối tượng người Lào là chủ hàng; với 12 gùi hàng có 294 kg ma túy đá cùng một số tang vật liên quan.

Ngày 7/3, phá đường dân vận chuyển lượng lớn ma túy từ Lào vào Việt Nam, bắt hai đối tượng, thu 600 nghìn viên ma túy tổng hợp, 36 bánh heroin và một xe ô tô.

Ngày 20/3, tại quận Bình Tân, TPHCM, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – Bộ Công an chủ trì phối hợp với các đơn vị, tỉnh thành liên quan tiến hành bắt giữ 11 đối tượng trong đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy đá từ Lào qua khu vực cửa khẩu Bờ Y về TPHCM. Tang vật thu giữ là 300kg ma túy đá.

Chiều 23/3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – Bộ Công an cho biết, đơn vị vừa phối hợp với cơ quan Hải quan và Cảnh sát Philippines bắt giữ thêm 276kg ma túy đá trong đường dây buôn bán trái phép chất ma túy do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu.

Ngày 14/4, An Giang bắt giữ vụ vận chuyển 26,6 kg ma túy từ Campuchia về Việt Nam.

Ngày 18/4, Công an tỉnh Nghệ An và chính quyền địa phương xã Quỳnh Thuận đã phát hiện 24 bao tải chứa 700kg ma túy đá, với kẻ cầm đầu được xác định là người Đài Loan.

Ngày 20/4, hơn 1,1 tấn ma tuý ở Sài Gòn chung đường dây với các vụ ở miền Trung. Ma túy được giấu trong các loa thùng, Yeh Ching Wei (33 tuổi), Chiang Wei (31 tuổi, cùng quốc tịch Đài Loan) thừa nhận từng nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam theo lệnh của ông trùm người Trung Quốc. Họ có nhiệm vụ nhận ma tuý đá được đóng trong các gói trà, đem giấu vào các thiết bị điện tử, hàng mỹ nghệ để vận chuyển đi nơi khác.

Chiều 11/5, hơn nửa tấn ma túy của người Đài Loan bị bắt tại TP HCM, đây là đường dây buôn bán ma túy có lượng tang vật thu giữ lớn nhất từ trước đến nay ở các tỉnh, thành phía Nam.

Trong thực tế đấu tranh, mỗi năm trung bình lực lượng công an bắt 20.000 vụ ma tuý. Có lúc tại trại tạm giam, số bị can liên quan ma tuý chiếm đến 50-60%. Tuy nhiên, số lượng ma tuý phát hiện, bắt giữ cũng như số lưu thông trên thị trường vẫn rất lớn.

Theo Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma tuý tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, cho biết: “Do hoạt động sản xuất ma túy tại khu vực Tam Giác vàng tiếp tục gia tăng khiến cho tình hình trong nước cũng hết sức phức tạp. Các tổ chức quốc tế đã xác định, có 250 tấn ma tuý đá với gần 3 tỷ viên ma tuý tổng hợp xuất phát từ khu vực Tam giác vàng mỗi năm. Khu vực Tam giác vàng hàng năm cũng tiêu thụ tới 3.000 tấn hoá chất các loại phục vụ việc sản xuất ma tuý.

Vì Việt Nam nằm trên đường trung chuyển, có tuyến đường biên giới lớn, trên biển cũng có hàng trăm điểm nơi neo đậu tàu thuyền phù hợp để đưa đến các nước một cách thuận lợi. Vậy nên vừa qua, các lực lượng chức năng đã rất quyết tâm để phá gỡ các đường dây nhưng để biết lượng ma tuý kiểm soát được hết chưa cũng là cả một vấn đề.

Tuy nhiên, Việt Nam chỉ là một mắt xích nhỏ trong đường dây buôn ma tuý "cực khủng xuyên thế giới".

Khó khăn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy

Theo Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy (Bộ Công an): Khó khăn nhất với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng chống ma túy là địa hình. Các đường dây tội phạm ma túy lớn hầu hết tập trung ở các tuyến biên giới. Đây là khu vực có địa hình phức tạp, đồi núi chênh vênh gây khó khăn cho công tác trinh sát cũng như triển khai lực lượng triệt phá. Vì vậy, tội phạm ma túy đã lợi dụng những yếu tố này tổ chức các hoạt động tập kết, vận chuyển ma túy...

Mặt khác, hiện nay hầu hết các đường dây ma túy lớn đều hoạt động xuyên quốc gia. Việt Nam dù hợp tác quốc tế đã có cố gắng nhưng hiệu quả chưa cao do đặc thù của mỗi nước. Trong khi đó, tội phạm ma túy lại lợi dụng chính sách, sự thông thoáng của nhà nước trong giao thương để phạm tội. Hơn nữa, đường biên giới Việt Nam dài, giáp với các nước có tình hình tội phạm ma túy phức tạp. Đó là chưa kể, khi cơ quan điều tra nghiên cứu các biện pháp đấu tranh ngăn chặn tội phạm ma túy thì các đối tượng mua bán ma túy cũng nghiên cứu lại các biện pháp đấu tranh của mình để tìm cách đối phó.

Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, cho rằng các trùm ma túy chọn Việt Nam làm điểm trung chuyển còn do phát hiện có những "lỗ hổng" trong hải quan đường biển.

Bị bắt ở Việt Nam, tội phạm không sợ bị dẫn độ vì tương trợ tư pháp của ta với các nước không tốt. Nhưng có những nguyên nhân không thể chối cãi là lòng tham của một số người Việt tiếp tay với người nước ngoài đầu độc chính đồng bào mình.

Theo đại tá Hậu, tội phạm ma tuý là loại tội phạm ẩn, liều lĩnh và cực kỳ lưu manh, sẵn sàng "chiến đấu sống còn" với cảnh sát. Những tên đầu xỏ bị bắt trong các chuyên án lớn vừa qua chủ yếu là người Đài Loan, Trung Quốc... Còn trùm của cả đường dây lớn thì ở nước ngoài điều hành, không phải là người Việt Nam nên việc bắt giữ gặp nhiều khó khăn.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) và Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) đang triển khai nhiều đợt tấn công trên tuyến biên giới Việt - Lào, phối hợp với các lực lượng của nhiều nước triệt phá tội phạm ma tuý. Hai cục này quyết tâm không để Việt Nam dễ dàng trở thành điểm trung chuyển ma tuý.

Truyền thông PSD

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD