Lạng Sơn: Tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ quản lý, giáo viên cán bộ Đoàn, Đội về công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội trong trường học năm 2021

Chương trình được Sở Giáo dục và Đào Tạo (Sở GDĐT) tỉnh Lạng Sơn phối hợp Viện nghiên cứu và Ứng dụng Phòng chống ma túy PSD thực hiện từ ngày 02/11/2021 đến ngày 03/11/2021.

 

Chương trình được Sở Giáo dục và Đào Tạo (Sở GDĐT) tỉnh Lạng Sơn phối hợp Viện nghiên cứu và Ứng dụng Phòng chống ma túy PSD thực hiện từ ngày 02/11/2021 đến ngày 03/11/2021.

Gần 900 nhân sự tham gia tập huấn gồm: Cán bộ quản lý, cán bộ phụ trách Đoàn đội và giáo viên các trường THPT, Trung tâm GDTX, Trung tâm GDNN-GDTX, trường THCS, trường TH&THCS, trường THCS&THPT, trường PTDTNT THCS, trường PTDTNT THCS&THPT, cán bộ phụ trách công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm của Phòng GDĐT các huyện, thành phố…

Hoạt động nêu trên nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch số 599/KH-BGDĐT ngày 24/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về việc triển khai thực hiện 05 nhiệm vụ phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021; Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021; Kế hoạch số 2550/KH-SGDĐT ngày 30/8/2021 của Sở GDĐT Lạng Sơn về việc phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021.

Tham dự khai mạc và tổng kết chương trình có bà Phan Mỹ Hạnh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn; Bà Trần Thị Hải Yến - Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên và Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD&ĐT Lạng Sơn; Ông Phạm Ngọc Hiếu - Chuyên viên Sở GD&ĐT Lạng Sơn; TSDD. Lê Trung Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Viện PSD; PGS.TS Mai Văn Hưng - Viện trưởng Viện PSD; Đại tá, Bác sĩ, Th.S Tạ Đức Ninh - Phó Viện trưởng Viện PSD; Th.S Vũ Thị Bền - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo Viện PSD; các cán bộ chuyên môn Viện PSD.

Công tác phòng chống ma tuý, phòng chống tệ nạn xã hội cho thế hệ trẻ là một nội dung được các cấp các ngành trong đó có ngành GDĐT Lạng Sơn hết sức quan tâm. Hằng năm, Sở GDĐT Lạng Sơn triển khai các giải pháp để thực hiện công tác tuyên truyền phòng chống ma tuý trong các cơ sở giáo dục: Ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo; Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên toàn ngành; Phối hợp với ngành công an tổ chức các buổi tuyên truyền điểm tại các huyện, thành phố. Các trường học thường xuyên mời lực lượng chức năng trên địa bàn đến tuyên truyền cho học sinh, sinh viên về tác hại và cách phòng tránh ma tuý, tệ nạn xã hội; lồng ghép giáo dục nội dung này trong các tiết dạy chính khoá, trong các buổi sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Việc phối hợp với Viện PSD tổ chức “Tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ quản lý, giáo viên và cán bộ Đoàn, Đội về công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội trong trường học năm 2021” được thực hiện thành công trong hai ngày vừa qua là sự thể hiện cao quyết tâm đó bằng hành động thiết thực, kịp thời và cụ thể.

Ông Lê Trung Tuấn - TSDD, Chủ tịch Hội đồng Viện PSD 

Bài giảng “Kỹ năng nhận diện các loại ma túy mới và ma túy trá hình” của ông Lê Trung Tuấn - TSDD, Chủ tịch Hội đồng Viện PSD mở đầu chương trình. Đây là phần chia sẻ kiến thức cập nhật, chi tiết và khoa học; cung cấp cho giáo viên, cán bộ quản lý cấp cơ sở toàn diện thông tin về loại, chất và mức độ nguy hiểm của ma túy đang tấn công trường học, cộng đồng. Một bức tranh toàn cảnh, đa diện đồng thời rất thực tế, sinh động về các loại ma túy mới, ma túy tổng hợp, ma túy trá hình đã được TSDD Lê Trung Tuấn trình bày gần gũi, sáng tỏ, giá trị thực tiễn cao.

Mỗi năm thế giới đầu tư hàng trăm tỉ USD cho công tác phòng, chống ma túy (PCMT) nhưng đầu tư cho công tác ngăn ngừa và điều trị lại chưa cân xứng. Trong khi ước tính đầu tư 10 USD cho việc “phòng” sẽ tiết kiệm 100 USD để “chống”. Hiện nay có tới 11 loại tội phạm liên quan ma túy như tham nhũng, buôn người, khủng bố, gian lận bầu cử, rửa tiền… và tội phạm ma túy có sự liên kết, được điều hành có tổ chức phạm vu toàn cầu… Như vậy để thấy công tác PCMT trong trường học ngày càng trở nên “không hề đơn giản”.

Đại tá, Bác sĩ, Th.S Tạ Đức Ninh - Phó Viện trưởng Viện PSD

Đây là phần chia sẻ của Đại tá, Bác sĩ, Th.S Tạ Đức Ninh - Phó Viện trưởng Viện PSD: Tình hình ma túy và công tác phòng, chống ma túy, AIDS, mại dâm.

GIẢI PHÁP ông nêu ra hoàn toàn thiết thực, tập trung và phù hợp với thực tế bối cảnh ma túy xâm nhập học đường tại Việt Nam hiện nay. Đó là các nguyên tắc PCMT trong trường học đã được quốc tế tổng kết, ứng dụng nhiều năm nay.

  1. Giáo dục phòng ngừa lạm dụng ma túy cần được gắn kết với chương trình giáo dục về sức khỏe của nhà trường và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục thay vì một buổi tuyên truyền hoặc nói chuyện chuyên đề đơn lẻ.
  2. Giáo dục phòng ngừa lạm dụng ma túy tốt nhất được thực hiện bởi chính thầy giáo đảm nhiệm các môn giáo dục sức khỏe thể chất
  3. Chương trình giáo dục phòng ngừa ma túy cần phải được thiết kết theo trình tự, mức độ tăng dần và liên tục từ tiểu học đến bậc đại học
  4. Thông tin phải nhất quán để tăng tính thuyết phục. kết hợp tư vấn với gia đình, cộng đồng, các phương tiện thông tin đại chúng và các dịch vụ dựa vào nhóm
  5. Các giải pháp cần hướng tới việc đề cao giá trị  cuộc sống, xác định rõ quan điểm, thái độ của cộng đồng và cá nhân đối với hành vi sử dụng ma túy
  6. Giáo dục PCMT cần dựa trên các cơ sở khoa học, và phù hợp nhu cầu của học sinh.
  7. Mục đích của việc giáo dục phòng ngừa lạm dụng ma túy  phải gắn với mục tiêu tổng thể là giảm tác hại liên quan đến ma túy.
  8. Các chương trình phòng ngừa cần chú trọng đến nhóm có nguy cơ liên quan đến ma túy. (Cần sa nên phòng ngừa từ độ tuổi phổ thông trung học cơ sở)
  9. Chương trình cần đáp ứng nhu cầu của các giới, văn hóa, ngôn ngữ, sự khác biệt về lối sống, thành phần xã hội.
  10. Có sự hưởng ứng tích cực của chính học sinh, cha mẹ và cộng đồng
  11. Các chương trình phòng ngừa cần hướng tới kết quả lâu dài, bền vững.

 

PGS.TS Mai Văn Hưng - Phó Viện trưởng điều hành Viện PSD

“Cơ chế gây nghiện, tái nghiện ma túy và kỹ năng phòng, chốnglà phần chia sẻ của PGS.TS Mai Văn Hưng - Phó Viện trưởng điều hành Viện PSD đã nhận được rất nhiều sự tập trung, quan tâm của người nghe/xem. Bằng kinh nghiệm trên 40 năm thuyết giảng, phần chia sẻ của ông có cả chiều sâu và bề rộng với lượng kiến thức khoa học lớn nhưng lại được ông thể hiện dí dỏm mà uyên thâm, vừa dễ hiểu vừa gần gũi, giản đơn mà rất hiệu quả. Không chỉ làm sáng rõ những vấn đề tưởng chừng rất hàn lâm, tưởng chừng chỉ các nhà khoa học mới hiểu được, ông đã cho “khán thính giả” nhận thấy công tác PCMT chỉ thành công khi chính các giáo viên, cán bộ cơ sở… thể hiện đúng lương tri và trách nhiệm; muốn làm tốt PCMT trước hết phải hiểu ĐÚNG, hiểu ĐỦ vì sao con người bị “nghiện ma túy”.

Những chia sẻ của chuyên gia Viện PSD đã thể hiện rất rõ nét tinh thần của văn bản 1477/VPCP-KGVX ngày 9/3/2021 của Văn phòng Chính phủ; Kế hoạch số 599/KH-BGDĐT ngày 24/6/2021 của Bộ GDĐT, đã chỉ ra các nhiệm vụ cụ thể cần triển khai thực hiện về công tác PCMT, mại dâm, tệ nạn xã hội năm 2021.

Những nhiệm vụ tiếp theo trong kế hoạch phối hợp giữa Sở GDĐT Lạng Sơn với Viện PSD sẽ diễn ra từ ngày 8/11 đến 13/11/2021: Tuyên truyền công tác phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội cho học sinh; Khảo sát, đánh giá thực trạng công tác phòng, chống ma túy trong trường học; Thí điểm xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể (thông qua xét nghiệm nước tiểu) cho thanh thiếu niên, học sinh trong trường học; Triển khai bộ sách “Kỹ năng phòng, chống ma túy” cho học sinh trung học và công tác xã hội hoá thực hiện công tác PC MT.

Truyền thông Viện PSD sẽ tiếp tục đưa tin.

Truyền thông Viện PSD

 

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD