Kỳ tích cai nghiện trên đỉnh Hua Pù

Ký ức về chuỗi ngày tăm tối

 

Trong ngôi nhà sàn xưa cũ ở đầu bản Hua Pù, Chá Va Súng (54 tuổi, ở bản Hua Pù, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá) kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình, cuộc đời của “một kẻ hơn 30 năm dính nghiện”, được cán bộ và vợ con thức tỉnh. Câu chuyện đó được bắt đầu từ khoảng 40 năm về trước…

 

Ông Súng kể, trước kia, Pù Nhi được xem là cái “rốn” ma túy của cả khu vực miền Tây Thanh Hóa, là “vương quốc của loài hoa ăn thịt người” với bạt ngàn những cánh đồng anh túc. Người Mông ở đây trồng và hút thuốc phiện như là một việc gì đó rất đỗi bình thường, nhử từ nhiều đời nay vẫn vậy. Ông bà, bố mẹ, con cái, ai cũng hút. Thậm chí còn có quan niệm rằng, nếu ai đó không hút thuốc phiện, không say sưa bên bàn đèn thâu đêm suốt sáng thì ắt hẳn họ không phải là… người Mông. Và, Chá Va Súng cũng không phải là ngoại lệ. Ông đến với ma túy như là định mệnh.

 

“Năm đó mình mới 12 tuổi, đi theo đám trẻ trong bản lên rừng chặt cành đào về chơi Tết. Trong lúc chặt, không may mình bị trượt chân ngã xuống vách núi, mê man bất tỉnh gần 10 tiếng đồng hồ. Tỉnh dậy, toàn thân nhức nhối, lồng ngực tức buốt, khó thở. Nhìn mình bị những cơn đau hành hạ, vì thương con, bố mình đã đưa thuốc phiện cho mình hút để giảm bớt những cơn đau. Lúc đó hút vào, mình thấy cơn đau như được xoa dịu. Một lần, hai lần… đến khi vết thương lành thì mình cũng trở thành con nghiện…”, ông Súng nhớ lại.

 

Từ đó, cuộc đời Chá Va Súng là vòng tròn luẩn quẩn, tối ngày đầu óc chỉ tơ tưởng đến cái bàn đèn. Ngày nào mà không có vài “bi” vào người là chân tay ông cứ bứt rứt, bủn rủn, không làm được việc gì. Cuộc đời cứ thế chảy trôi, rồi đến tuổi thanh niên, như bao người khác, Súng cũng lập gia đình. Vàng Thị Mảy, vợ Súng biết Súng nghiện, nhưng vẫn lấy. Bởi, “ngày đó con trai Mông nghiện gần hết, không lấy Súng thì biết lấy ai. Hơn nữa, hai đứa mình thương nhau nên cứ cưới thôi”.

 

 

Một góc Pù Nhi

Nhưng tình thương yêu lứa đôi không mạnh bằng sức quyến rũ ma mị của nàng tiên nâu, càng ngày, Chá Va Súng càng nghiện nặng. Của cải, đồ đạc trong nhà cứ lần lượt “chui qua lỗ xe điếu” của Súng mà đi. Chứng kiến cảnh nghiện ngập, bê tha của chồng, vợ Súng chỉ biết âm thầm chịu đựng. Ngày ngày, Mảy lặng lẽ lên nương, cố gắng làm lụng, chỉ mong vợ chồng con cái có được bữa rau, bữa cháo đắp đổi qua ngày.

 

Nhớ câu tục ngữ của tổ tiên người Mông: “Ruộng không cày không xốp/ Người không khuyên không tỉnh”, Mảy cũng đã nhiều lần thủ thỉ với hy vọng, Súng sẽ hiểu ra mà từ bỏ cái chất độc chết người. Nhưng, mọi công lao, sự cố gắng, nỗ lực của Mảy không hề được đền đáp, Súng vẫn miên man, đắm chìm trong cơn mê muội tối tăm của một kẻ cam phận làm “nô lệ của con ma thuốc phiện”. Ngày đó, hai vợ chồng đi làm thuê, cứ được đồng nào Súng lại nướng vào thuốc phiện, khi không còn tiền thì xúc gạo, xúc ngô đi đổi lấy thuốc để hút. Vì thế nên cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Quá chán nản, tuyệt vọng, đã có lúc Mảy chỉ muốn tìm đến nắm lá ngón như một sự giải thoát. Nhưng rồi, hình ảnh những đứa con thơ đã níu Mảy ở lại với cuộc đời…

 

 
Ông Chá Va Súng và “con đường cai nghiện”  Ảnh: DĐ

 

Trước tệ nạn thuốc phiện, ma túy hoành hành ở Pù Nhi, chính quyền địa phương đã nhiều lần cử cán bộ đến bản vận động tuyên truyền, khuyên nhủ bà con từ bỏ “nhựa nâu, bột trắng”, nhưng trăm lần như một, Chá Va Súng chỉ “nghe tai này ra tai kia” chứ chẳng biến chuyển gì. Thấm thoắt đã trên ba mươi năm ông mê muội, đắm chìm trong khói thuốc. Những tưởng cuộc đời Súng mãi mãi chìm sâu trong u tối nhưng rồi “mưa dầm thấm lâu”, những “lời nói phải” của các cán bộ và vợ con, dân bản dẫu “khó nghe” đến mấy, thì lâu dần cũng có những tác động nhất định đối với Súng…

 

Khi đã ngoại tứ tuần, cái tuổi mà người ta có thể hiểu thấu mọi sự lý trong thiên hạ, phân biệt được lẽ phải trái, đúng sai trên đời, Chá Va Súng mới giật mình nhìn lại. Súng thấy mình đầu đã hai thứ tóc mà chả có gì ngoài căn nhà rách nát, xiêu vẹo, một đàn con đói khổ nheo nhóc và thêm một bà vợ lam lũ, mỏi mòn. “Nhiều hôm thấy vợ ngồi khóc một mình, biết trong nhà không còn hạt gạo, tim mình như thắt lại. Lúc đó, mình đã tự hứa với mình phải cai nghiện để làm lại cuộc đời, để vợ con đỡ khổ…”, Súng kể.

 

Quyết tâm từ bỏ thuốc phiện, Chá Va Súng băng rừng tìm đến nhà một thầy lang có bài thuốc cai nghiện nổi tiếng ở bản Pù Quăn, xin thuốc về uống. Rất tiếc bài thuốc gia truyền đó đã không thể khiến ông dứt được cơn thèm. Nhưng điều đó không làm Súng nản, ngược lại ông càng quyết tâm hơn. Bởi, Súng biết rất rõ rằng, đối với một người nghiện “thâm niên” như mình, cái độc hại của thuốc phiện đã ăn sâu vào từng mạch máu, thớ thịt, xương cốt, tâm can rồi, muốn loại bỏ được hẳn, phải kiên gan đến cùng.

 

Đã nói là phải làm, Súng bắt đầu “cuộc chiến” nhằm tiêu diệt hoàn toàn “con sâu thuốc phiện”, không để nó đục rỗng tâm can mình thêm nữa. Tạm biệt vợ con, Súng “chuyển nhà” vào rừng sâu. Hàng ngày, ông đào củ mài, hái rau dại để ăn, đêm về co ro trong hang đá hoang lạnh. Những lúc lên cơn thèm thuốc, Súng lại chạy khắp trong rừng như con thú bị thương, đến lúc kiệt sức thì gục xuống, thiếp đi. Súng bảo: “Mình vào rừng là để không phải nghĩ, không phải nhớ và không phải nhìn thấy… “con ma túy” nữa. Thế mà nhiều lúc thèm thuốc đến điên dại, mình đã định buông xuôi đầu hàng. Nhưng tình cảm gia đình và sự nhiệt tình của các cán bộ tuyên truyền đã tiếp thêm sức mạnh giúp mình tránh xa được thuốc phiện”.

 

Sau mấy tháng “hành xác” nơi rừng thiêng nước độc, “con ma nghiện” đã phải chịu đầu hàng trước ý chí của Súng. Ông trở về trong niềm vui và sự cảm phục của gia đình, làng bản. Nhưng, từng đó thời gian chưa đủ để Súng có thể quên hẳn cái chất nhựa nâu ma mị vốn đã ngấm sâu vào thân thể mình. Thế nên, khi trở về bản, nhìn thấy người ta hút, hoặc vô tình ngửi thấy mùi thuốc phiện, ông vẫn bị dao động. Trước nguy cơ tái nghiện luôn rình rập, một lần nữa, Chá Va Súng lại lên dây cót tinh thần, quyết tâm vượt qua chính mình, chiến thắng sự cám dỗ của “con ma thuốc phiện”, không để bao công sức cai nghiện biến thành “dã tràng xe cát”…

 

Chiến thắng “con ma thuốc phiện”

 

Thời điểm đó, việc đi lại ở Hua Pù rất bất tiện, chủ yếu là đường rừng. Vì thế nên mỗi lần cán bộ vào thăm dân bản, vận động bà con cai nghiện, phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Thương cán bộ, thương dân bản nên Súng nảy ra ý tưởng cai nghiện không giống ai: Mỗi khi lên cơn thèm thuốc, ông lại xách dụng cụ ra đầu bản, xẻ núi đá làm đường để quên đi cơn nghiện. Súng làm như chưa bao giờ được làm, từ sáng đến tối, từ tối đến đêm khuya, đến khi nào cạn kiệt sức mình mới nghỉ. “Thấy ông ấy lao vào làm hùng hục, tay chân cứ tóe hết cả máu ra, tôi và các con thương quá mới khuyên ông ấy về. Ông ấy không nghe mà còn làm hăng hơn. Đập đá, san đất cứ băng băng…”, bà Mảy nhớ lại.

 

Thật bất ngờ, cách cai nghiện “khác người” của Súng lại thành công. Ông càng làm càng thấy khỏe ra. Cảm giác như cái độc hại của thuốc phiện đã ngấm sâu trong máu thịt cũng theo những dòng mồ hôi mà đào thải khỏi con người Súng. Thân thể, tay chân không còn bủn rủn, bứt rứt như lúc còn say thuốc nữa. Đầu óc cũng thấy nhẹ nhõm, sảng khoái. Nghe hơi thuốc, chẳng vật vã, thèm thuồng như trước kia nữa. “Mình cai nghiện đến nay đã được 8 năm rồi! Trong đời mình có lẽ chiến thắng “con ma hút” là việc khó nhất trên đời. Nhưng vì đã hứa với vợ con sẽ cai nghiện, sẽ tìm con đường sáng mà đi, nên dù chết mình cũng phải quyết tâm cai bằng được thuốc phiện”, Súng kể.

 

Cùng với việc cai nghiện thành công, đoạn tuyệt hẳn với bàn đèn, Súng đã cho ra đời một con đường liên thôn. Con đường nối từ bản Hua Pù đến bản Pục Chiên, nó dài khoảng hơn 3 cây số. Trước đây, khi chưa có con đường này, để qua lại giữa hai bản, người dân phải đi đường rừng hết nửa ngày trời. Bây giờ, cũng đoạn đường đó, người ta chỉ mất chừng 30 phút đi bộ. Ngoài việc làm đường, từ khi cai nghiện thành công, Súng còn trở thành một “tuyên truyền viên” của thôn bản. Bằng bài học và kinh nghiệm của đời mình, ông nhiệt tình sẻ chia, vận động giúp những người không may dính vào “nhựa nâu”, “bột trắng” sớm tỉnh ngộ…

 

Kể từ đó, trong mắt người dân ở Pù Nhi, Súng là tấm gương để mọi người học tập. Thế nhưng, khi được hỏi, Súng luôn miệng nói rằng, ông có được như ngày hôm nay là nhờ công lao của gia đình, dân bản và cám ơn các cán bộ tuyên truyền nhiều lắm.

 

Và quả thật, nhờ sự quyết tâm và chung sức, chung lòng trong cuộc chiến chống lại “con ma thuốc phiện” của các cán bộ và nhân dân Mường Lát nên tình trạng trồng cây anh túc ở đây gần như không còn, số người nghiện trên địa bàn Pù Nhi đã giảm hẳn. Đồng bào ở Pù Nhi giờ đã biết chăm lo làm ăn kinh tế, đoạn tuyệt với ma túy. Và, con đường mà Chá Va Súng đã làm nên trong những tháng ngày tăm tối xưa kia được người dân đặt cho cái tên trìu mến là “Con đường Súng” - “Con đường sáng”.

Theo Congly.com.vn

 

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD