Hải Quan nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy và kiểm soát tiền chất

Tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi lực lượng Hải quan, nhất là đội ngũ chuyên trách phòng, chống ma túy phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ vi phạm.

Ngày 22/1/2024, Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Quảng Bình) phối hợp với Bộ đội Biên phòng,  Công an Thị xã Ba Đồn và Phòng PC04 (Công an tỉnh Quảng Bình) bắt giữ vụ mua bán, vận chuyển 29.800 viên ma túy tổng hợp tại thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. 	 	Ảnh: Hải quan Quảng Bình
Ngày 22/1/2024, Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Quảng Bình) phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an Thị xã Ba Đồn và Phòng PC04 (Công an tỉnh Quảng Bình) bắt giữ vụ mua bán, vận chuyển 29.800 viên ma túy tổng hợp tại thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Hải quan Quảng Bình

Diễn biến phức tạp

Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vẫn diễn ra hết sức phức tạp, gia tăng đột biến về quy mô, số lượng vụ việc vi phạm.

Cập nhật trong tháng 1/2024 (kỳ từ 16/12/2023 đến 15/1/2024), ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng (Công an, Bộ đội Biên phòng) phát hiện, bắt giữ 38 vụ, 49 đối tượng (trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 7 vụ), tang vật thu trên 55,4 kg ma túy các loại.

 

 

Đặc biệt, tuyến hàng không tiếp tục có chiều hướng gia tăng cả số vụ việc và số lượng tang vật vi phạm, tập trung chủ yếu qua cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, với nguồn cung từ các nước châu Âu, châu Mỹ. Ngoài ra, tuyến đường bộ, tuyến đường biển cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Hùng Anh cho hay, để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, ngành Hải quan xác định tiếp tục tập trung, huy động mọi nguồn lực và giao trách nhiệm tới toàn bộ lực lượng để thống nhất, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy và kiểm soát tiền chất.

Đặc biệt, ngành Hải quan chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, nhận diện, ngăn chặn kịp thời hành vi lợi dụng tiền chất, hóa chất xuất nhập khẩu hợp pháp để sản xuất ma túy bất hợp pháp. Đặt trọng tâm vào một số nhiệm vụ, lĩnh vực cụ thể như: Tăng cường năng lực lực lượng hải quan theo hướng chính quy, chuyên nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ hướng đến mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh; đặc biệt tập trung đẩy mạnh quan hệ phối hợp và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống ma túy.

Tăng cường hợp tác đấu tranh

Đáng chú ý, ngành Hải quan đã và đang tăng cường nhiều kế hoạch, hoạt động, dự án hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy với sự phát triển cả về quy mô và chiều sâu, trên cả bình diện song và đa phương.

Về khuôn khổ song phương, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực kiểm soát, phòng, chống ma túy một cách thực chất, hiệu quả với các đối tác truyền thống. Điển hình như cơ quan Hải quan các nước, vùng lãnh thổ: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc), Australia, Hàn Quốc…

Việc hợp tác thông qua các hoạt động như: Trao đổi, hỗ trợ xác minh thông tin; phân tích rủi ro, xác định trọng điểm; cung cấp thông tin về đối tượng, lô hàng nghi vấn phục vụ công tác đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ các vụ việc lớn liên quan đến hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; phối hơp triển khai các chương trình, dự án tăng cường kiểm soát chung về ma túy, tiền chất; cập nhật thông tin cảnh báo, xu hướng hoạt động của tội phạm ma túy...

“Thực tế cho thấy, nguồn tin từ kênh hợp tác quốc tế song phương đã hỗ trợ rất hiệu quả cho công tác đấu tranh phòng, chống ma túy của cơ quan Hải quan trong những năm qua và đặc biệt là năm 2023. Qua đó, quan hệ hợp tác song phương giữa Hải quan Việt Nam và các cơ quan Hải quan đối tác truyền thống đã được nâng lên một bước, đi vào chiều sâu, thực chất và đạt được nhiều kết quả cụ thể”, Cục trưởng Nguyễn Hùng Anh nhấn mạnh.

Ở khuôn khổ đa phương, Hải quan Việt Nam đã ghi dấu ấn với thành công của Chiến dịch Con rồng Mê Kông. Đây là hoạt động chung chống buôn bán ma túy, tiền chất và các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp trong danh mục Công ước CITES. Chiến dịch Con rồng Mê Kông được khởi xướng vào năm 2018 từ đồng sáng kiến của cơ quan Hải quan hai nước Việt Nam và Trung Quốc, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Văn phòng Liên lạc Tình báo khu vực châu Á – Thái Bình Dương (RILO AP) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) và UNODC. Đến nay, Chiến dịch đã trải qua 5 giai đoạn và 1 giai đoạn mở rộng. Đặc biệt giai đoạn 5 (năm 2023), về phía Việt Nam, đã có sự đồng hành tham gia của 2 lực lượng Hải quan và Công an. Con rồng Mê Kông được đánh giá là một trong các chiến dịch nổi bật, điển hình của khu vực trong hợp tác phòng, chống ma túy. Đây là cơ sơ để cơ quan Hải quan các thành viên đề xuất với cơ quan có thẩm quyền các nước triển khai giai đoạn tiếp theo của Chiến dịch.

Không để phát sinh các điểm nóng về buôn lậu

 

Về công tác phòng, chống buôn lậu nói chung, Tổng cục Hải quan đánh giá, tháng 1/2024, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, tình hình vận chuyển trái phép pháo nổ có chiều hướng gia tăng do thời điểm cận Tết Giáp Thìn 2024. Các đối tượng lợi dụng phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, gia cố hầm hàng, khoang, thùng để cất giấu pháo nổ nhằm qua mắt các lực lượng chức năng. Trong đó, tập trung tại một số địa phương như: Quảng Trị, Nghệ An, Lạng Sơn...

Ngoài ra, các mặt hàng tiêu dùng, thiết yếu (đường kính, thuốc lá, bia, mỹ phẩm, thực phẩm đông lạnh…) cũng được các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới hướng tới, tập trung tại các tỉnh như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Lào Cai, Cao Bằng...

Trước tình hình trên, với vai trò Cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tập trung thực hiện Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, GLTM, hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Trong đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành văn bản chỉ đạo, cảnh báo cho các cục hải quan địa phương và hướng dẫn thực hiện công tác chống buôn lậu, GLTM…

Tháng 1/2024 (kỳ từ 16/12/2023 đến 15/1/2024), toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.253 vụ việc vi phạm; tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.617,7 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 4 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 9 vụ; số tiền thu nộp ngân sách nhà nước gần 23 tỷ đồng (cập nhật đến ngày 26/1/2024).

 

Theo Báo Hải Quan

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD