Nghiên cứu, bổ sung 17 chất ma túy mới vào Danh mục kiểm soát

Trong đó, có 4 chất vào danh mục kiểm soát theo Công ước quốc tế về thống nhất các chất ma túy năm 1961 và Công ước về các chất hướng thần năm 1971, bao gồm: Isotonitazene – (Bảng I, Công ước ma túy năm 1961, CUMYL-PEGACLONE – (Bảng II, Công ước các chất hướng thần năm 1971), MDMB-4en-PINACA – (Bảng II, Công ước các chất hướng thần năm 1971), Diphenidine – (Bảng II, Công ước các chất hướng thần năm 1971).

Bộ Công an cho biết, tại phiên họp lần thứ 64 của Ủy ban kiểm soát ma túy Liên Hợp Quốc năm 2021, các nước đã thống nhất bổ sung 4 chất trên vào danh mục kiểm soát. Việt Nam với vai trò là thành viên tham gia các công ước quốc tế về kiểm soát ma túy có nghĩa vụ pháp lý phải kiểm soát các chất trên.

Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến nay, qua công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, các lực lượng chức năng đã thu giữ tang vật các vụ án và được Viện Khoa học hình sự, Bô Công an giám định 7 chất gây nghiện, chất hướng thần mới chưa có trong danh mục quản lý, bao gồm: 4 chất kích thích, gây ảo giác (1cp-LSD, 2-FMA, 3-FEA, 3-MMC) và 3 chất nhóm cần sa tổng hợp gây ảo giác (4F-MDMB-BUTICA, ADB-BUTINACA, 4F-ABUTINACA).

Các chất này đều là các chất hướng thần mới mà Ủy ban kiểm soát ma túy của Liên Hợp Quốc đã ghi nhận và thống kê. Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cũng đã có văn bản báo cáo và đề xuất đưa 7 chất trên vào danh mục kiểm soát.

Ngoài ra, tháng 12/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xem xét, đánh giá tổng thể một số chất hướng thần mới và kiến nghị đưa vào Danh mục kiểm soát của các Công ước quốc tế và sẽ được bỏ phiếu thông qua vào phiên họp Ủy ban kiểm soát ma túy Liên Hợp Quốc đầu năm sau. Trong đó, có 3 chất mới chưa có trong Danh mục kiểm soát của Việt Nam, bao gồm: 1 chất nhóm cần sa tổng hợp (4F-MDMB-BICA) và 2 chất nhóm thuốc phiện tổng hợp (Brorphine, Metonitazene).

Các chất này đều là chất gây nghiện, chất hướng thần không có ứng dụng hợp pháp và đã được kiểm soát ở nhiều nước như Mỹ, Nhật, Đức, Trung Quốc…, do đó việc bổ sung vào Danh mục kiểm soát của Việt Nam không gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội và có tác dụng lớn trong việc hạn chế xu hướng các ma túy mới du nhập vào Việt Nam.

Hơn nữa, sau khi được các nước thông qua, Ủy ban kiểm soát ma túy Liên Hợp Quốc sẽ đưa vào Danh mục kiểm soát quốc tế theo các Công ước Liên Hợp Quốc vào năm 2022, do đó, việc đưa vào các chất ma túy mới vào trong lần sửa đổi Nghị định này là đón đầu xu hướng, hạn chế sự lạc hậu, lỗi thời và giảm thiểu số lần sửa đổi, bổ sung Danh mục chất ma túy cần kiểm soát.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng bổ sung 3 chất vào Danh mục III “Các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”. Bởi tại phiên họp lần thứ 64 của Ủy ban kiểm soát ma túy Liên Hợp Quốc năm 2021, các nước đã thống nhất bổ sung 3 chất vào Danh mục kiểm soát theo Công ước quốc tế về thống nhất các chất ma túy năm 1961 và Công ước về các chất hướng thần năm 1971, bao gồm: Nhóm Benzodiazepines: Clonazolam (Bảng IV, Công ước các chất hướng thần năm 1971, Diclazepam (Bảng IV, Công ước các chất hướng thần năm 1971), Flubromazolam (Bảng IV, Công ước các chất hướng thần năm 1971).

Dự thảo Nghị định cũng chuyển 2 tiền chất từ Danh mục IVB (các tiền chất là dung môi, chất xúc tác trong quá trình sản xuất chất ma túy) sang Danh mục IVA (các tiền chất thiết yếu, tham gia vào cấu trúc chất ma túy) để đảm bảo phù hợp với tên Danh mục: Diethylamine (N-ethylethanamine) do tham gia vào cấu trúc của chất ma túy LSD; Methylamine (Methanamine) do tham gia vào cấu trúc của chất ma túy Methamphetamine.

Việc sửa đổi dựa trên định nghĩa trong Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961 và thực tiễn quá trình giám định của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an để phù hợp với Bộ Luật Hình sự năm 2015./.

 

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD