Những ngày thực hiện bài viết, chúng tôi ghi nhận tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM - một trong những điểm nóng về tình hình mua bán, sử dụng ma túy do địa bàn giáp ranh nhiều quận - nhiều người nghiện vẫn lén lút hoạt động, kim tiêm vương vãi khiến đời sống người dân luôn bất an.
Bắt rồi… thả!
Trao đổi với chúng tôi, trung tá Nguyễn Hữu Tài, Trưởng Công an xã Bà Điểm, cho biết trước đây áp dụng Nghị định 135, cứ phát hiện người nghiện sẽ xử phạt lần 1; nếú tái nghiện, đưa đi trường hoặc trung tâm. Riêng người nghiện lang thang, phạt xong, đưa đi trường, trung tâm ngay. Trung bình một năm, công an xã đưa hơn 30 đối tượng đi trường, trung tâm. Khi áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) đến nay, chưa có trường hợp nào được đưa đi do chờ biểu mẫu, văn bản hướng dẫn cụ thể. Hiện xã Bà Điểm đang quản lý 40 đối tượng nghiện ma túy, trong đó 10 đối tượng vừa xét nghiệm dương tính ma túy nhưng chưa đưa đi trường, trại.
Hai người nghiện lang thang bị Công an phường 12, quận 8, TP HCM thu gom sáng 28-5
nhưng không thể xử lý mà phải thả ra vì... chưa có hướng dẫn
Tương tự, địa bàn phường 12, quận 8 cũng là một điểm nóng về mua bán và hút chích ma túy. Theo trung tá Trần Hữu Tâm, Trưởng Công an phường 12, trước khi Luật XLVPHC có hiệu lực, nếu bắt được đối tượng nghiện sẽ đưa về trụ sở công an xử lý theo trình tự: test ma túy, cho tự khai báo, xác định nơi cư trú, lập hồ sơ đưa lên lưu trú tại Trung tâm Tiếp nhận đối tượng tệ nạn xã hội Bình Triệu chờ xử lý, phân loại. Từ khi Luật XLVPHC có hiệu lực, do chờ hướng dẫn, công an chỉ xử lý vi phạm hành chính rồi thả ra, chưa kể có trường hợp người nghiện không có tiền đóng phạt thì… đành chịu. “Nắm bắt khoảng trống pháp luật này, đối tượng hút chích hoạt động rất công khai, thách thức. Thậm chí, chúng tôi mới bắt đối tượng buổi sáng thì ngay buổi chiều, họ tiếp tục “phê”, công an cũng chào thua” - trung tá Tâm ngao ngán.
Ghi nhận ý kiến của các phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) quận, huyện cho thấy cùng với Luật XLVPHC (có hiệu lực từ ngày 1-7-2013), các Nghị định 111 (ban hành ngày 30-9-2013), quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Nghị định 221 (ban hành ngày 30-12-2013), quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đều thiếu hướng dẫn cách thực hiện khiến địa phương lúng túng khi xử lý đối tượng hút chích ma túy. Điều này tạo ra khoảng trống pháp luật và gây ra tình trạng bất an cho xã hội vì đối tượng nghiện ma túy thường đi kèm với phạm pháp hình sự.
Ông Huỳnh Quốc Thái, Phó Phòng LĐ-TB-XH quận 8, nhận định: “Nếu trước đây có hàng ngàn đối tượng hút chích ma túy nằm trong sự kiểm soát của địa phương, được đưa đi cai nghiện thì 6 tháng đầu năm 2014, quận 8 gần như không xử lý được đối tượng nào vì công an địa phương chỉ bắt rồi thả về do phải chờ hướng dẫn về quy trình tạm giữ, lập hồ sơ đối tượng nghiện”.
Cũng theo ông Thái, trước đây, công an địa phương bắt giữ người nghiện sẽ chuyển đến Trung tâm Tiếp nhận đối tượng tệ nạn xã hội Bình Triệu để lưu giữ (theo Nghị định 43 về xử lý tạm thời đối tượng nghiện ma túy). Khi Nghị định 43 không còn được áp dụng, địa phương lúng túng không biết sắp tới sẽ lưu giữ con nghiện tạm thời ở đâu.
Nhiều quy định thiếu khả thi
Ông Phạm Đức Trung, Phó trưởng Phòng LĐ-TB-XH quận Thủ Đức, băn khoăn: “Hiện nay, muốn đưa đối tượng nghiện đi cai bắt buộc, đầu tiên phải xác định tình trạng nghiện rồi xử phạt hành chính, kế đến đưa về giáo dục tại phường, xã; nếu tái nghiện mới đưa đi cai bắt buộc. Tuy nhiên, việc xác định tình trạng nghiện của đối tượng cũng bị ách lại do Nghị định 111 yêu cầu “thẩm quyền xét nghiệm phải là y, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề và phải qua khóa tập huấn” trong khi hầu hết các trạm y tế phường, xã hầu như không đáp ứng được yêu cầu này”.
Ông Trung cho biết thêm Nghị định 111 quy định phải có cơ sở bảo trợ xã hội để giải độc, cắt cơn nhưng thực tế rất khó thực hiện bởi không phải địa phương nào cũng có đủ kinh phí để xây dựng cơ sở này, ngoại trừ một số địa phương có sẵn các trung tâm tư vấn cai nghiện ma túy… Chưa kể, kinh phí giải độc, cắt cơn chủ yếu do gia đình đóng góp nhưng nhiều trường hợp gia đình nghèo khó, không có khả năng đóng tiền cũng đành chịu.
Bên cạnh những khó khăn khi triển khai Luật XLVPHC, ông Nguyễn Hữu Tài, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn TP HCM, chỉ rõ: “Luật XLVPHC không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sởcai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi. Như vậy, với nhóm đối tượng này sẽ áp dụng Luật Phòng chống ma túy sửa đổi để đưa đi cai bắt buộc. Tuy nhiên, nếu áp dụng sẽ không phù hợp với quan điểm bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Ngoài ra, Luật XLVPHC còn bỏ ngỏ việc quản lý nhóm đối tượng sau cai dù Luật Phòng chống ma túy sửa đổi yêu cầu phải quản lý sau cai từ 1-2 năm tại địa phương”.
Ngoài ra còn nhiều vướng mắc khiến các địa phương băn khoăn như việc giao các tổ chức chính trị - xã hội (hội cựu chiến binh, hội phụ nữ…) quản lý đối tượng nghiện trong thời gian chờ làm thủ tục hơn 30 ngày để đưa đi cai bắt buộc, trong khi các tổ chức này không có chuyên môn y tế, không có cơ sở vật chất. Hay quy định thẩm quyền ra quyết định đưa đối tượng nghiện đi cai bắt buộc là thẩm phán TAND quận - huyện, không phải chủ tịch UBND quận - huyện. “Quy định này một mặt chưa có hướng dẫn cụ thể nên thực tế TAND địa phương chưa thể tiếp cận để thực hiện; mặt khác, với khối lượng công việc của tòa quá tải như vậy, làm sao thẩm phán có thời gian xem xét từng hồ sơ để ra quyết định kịp thời?” - lãnh đạo TAND một quận chia sẻ.
Theo Người lao động
Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.
Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD