Cai nghiện tại cộng đồng vẫn bế tắc

Không ít người nghiện bị gia đình bỏ rơi, rất dễ kích động. Trước đây TP tổ chức cai nghiện tập trung mà còn khó, huống hồ giờ một trạm y tế nhỏ bé với nhân lực khiêm tốn đảm nhận nhiệm vụ này càng khó gấp nhiều lần.

Bà Loan nói tại buổi giám sát của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội ở UBND P.14, Q.8 (TP.HCM) về công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; công tác phòng chống mại dâm, HIV/AIDS.

 

 

"Ngã tư quốc tế" (TP HCM) điểm nóng nạn buôn bán ma túy

 

Trả lời câu hỏi của đoàn giám sát vì sao cai nghiện tại cộng đồng không phát huy tác dụng, bà Nguyễn Thị Loan (Phó chủ tịch UBND P.14, Q.8) cho biết phường đã triển khai các bước để cai nghiện tại cộng đồng theo chủ trương chung nhưng vẫn không thực hiện được.

 

Nguyên nhân theo bà Loan là các quy định hướng dẫn thực hiện không phù hợp thực tế.

 

“Chẳng hạn như quy định diện tích tối thiểu phòng khám nơi tiếp nhận điều trị cai nghiện của phường phải đạt 10m², phòng lưu bệnh tối thiểu phải 8m², trong khi trạm y tế phường chúng tôi không thể đạt được như vậy” - bà Loan nói.

 

Do khó khăn như vậy nên từ trước đến nay phường chỉ vận động tuyên truyền về cai nghiện tại cộng đồng là chủ yếu. Kết quả đạt được là vận động được... một trường hợp tự nguyện cai nghiện tại gia đình. Tuy nhiên, đến nay người này đã chuyển đi nơi khác sống nên cũng chưa biết kết quả cai nghiện hiện tại ra sao.

 

Bà Trương Thị Lý, trưởng trạm y tế P.14, Q.8, cho biết theo quy trình, khi công an phát hiện người có khả năng nghiện sẽ đưa sang trạm y tế để làm kiểm tra xem có nghiện hay không, mức độ thế nào. Nếu có, trạm y tế phường cũng sẽ là nơi điều trị cắt cơn.

 

Thế nhưng muốn làm được điều này đòi hỏi phải có chuyên môn sâu, đội ngũ y bác sĩ có tay nghề, chưa kể thiết bị y tế cũng phải được trang bị phù hợp.

 

“Không ít người nghiện bị gia đình bỏ rơi, rất dễ kích động. Trước đây TP tổ chức cai nghiện tập trung mà còn khó, huống hồ giờ một trạm y tế nhỏ bé với nhân lực khiêm tốn đảm nhận nhiệm vụ này càng khó gấp nhiều lần” - bà Lý phân trần.

 

Để tạm thời gỡ rối khi trạm y tế phường chưa thể điều trị cắt cơn, bác sĩ Đặng Thế Hệ, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Q.8, cho hay trung tâm đã tham mưu cho UBND quận xây dựng đề án thành lập cơ sở cắt cơn cấp quận. Tuy nhiên, đề án đến nay vẫn chưa được thực hiện.

 

Ông Mai Đăng Quốc Việt, trưởng Phòng lao động - thương binh và xã hội Q.8, thừa nhận địa phương chưa thực hiện được cai nghiện tại cộng đồng còn do vấn đề về nhận thức của người dân và lực lượng làm công tác này của quận, phường.

 

Ông Việt cũng thông tin thêm: “Trước đây chỉ cần kiểm tra thấy đối tượng có dấu hiệu sử dụng ma túy là đưa đi cai được. Bây giờ phải xác định đối tượng nghiện ma túy chứ không đơn thuần chỉ mới sử dụng mà đưa đi cai. Thế nhưng, địa phương không biết làm cách nào để xác định tình trạng nghiện của đối tượng do Bộ Y tế chưa có hướng dẫn thực hiện”.

 

Sau khi lắng nghe các ý kiến nói trên, ông Nguyễn Hoàng Mai, vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội (Văn phòng Quốc hội), cho rằng việc tắc ở các văn bản hướng dẫn thì trung ương sẽ sớm tháo gỡ, nhưng trách nhiệm của địa phương là phải triển khai cho được cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

 

“Quan trọng là sau khi cắt cơn phải có sự giám sát, theo dõi chặt, kịp thời hỗ trợ người nghiện tiếp tục cai nghiện thành công” - ông Mai nói.

Theo Tuoitre.vn

 

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD