Xu hướng hợp pháp hóa ‘cần sa’: Những hệ lụy nghiêm trọng

Thái Lan đang thảo luận về dự luật hợp pháp hóa cần sa. Nếu được thông qua, nước này sẽ là quốc gia châu Á đầu tiên “mở cửa” chào đón thị trường sản xuất phân phối cần sa. Việc hợp pháp hóa cần sa đang có xu hướng lan rộng ở một số quốc gia, tuy nhiên nó cũng đang gây ra một số hệ lụy nghiêm trọng đối với chính người sử dụng và xã hội.

Thái Lan đang thảo luận về dự luật hợp pháp hóa cần sa. Nếu được thông qua, nước này sẽ là quốc gia châu Á đầu tiên “mở cửa” chào đón thị trường sản xuất phân phối cần sa. Việc hợp pháp hóa cần sa đang có xu hướng lan rộng ở một số quốc gia, tuy nhiên nó cũng đang gây ra một số hệ lụy nghiêm trọng đối với chính người sử dụng và xã hội.

 

Cây cần sa

Xu hướng hợp pháp hóa cần sa

Cần sa (tên Latinh: Cannabis, Marijuana; cỏ hay gai dầu), là một chi thực vật có hoa được sử dụng như chất gây ảo giác, chất kích thích hoặc dùng làm thuốc; được phát hiện trồng tại Ấn Độ cách đây khoảng 2000 năm. Đến nay, số quốc gia thông báo phát hiện trồng cần sa lên đến trên 130 nước, trong đó, khu vực trồng cần sa tập trung chủ yếu ở các nước Afghanistan, Tam giác vàng (Myanmar, Thái Lan, Lào) và Bắc Mỹ.

Hiện trên thế giới có một số quốc gia đã chính thức hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa cả trong lĩnh vực y tế lẫn giải trí với mục đích nhằm bảo vệ người tiêu dùng, tiết kiệm chi phí cảnh sát, tăng nguồn thu thuế và khiến bọn tội phạm “hết đường làm ăn”.

Tại châu Mỹ: (1) Uruguay (10-12-2013) đã hợp pháp hóa cần sa, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới giám sát việc sản xuất và buôn bán loại ma túy này. Với mục đích làm “suy giảm sức mạnh“ của các băng đảng ma túy. Đạo luật cho phép các cá nhân trên 18 tuổi có thể mua 40 gram từ các hiệu thuốc; tự trồng cần sa ở quy mô nhỏ (6 cây/người) và thành lập câu lạc bộ quy tụ những người dùng cần sa. Tất cả các quy trình này đều chịu sự giám sát và kiểm soát của chính phủ; (2) Tại Mỹ hiện có 30 bang hợp pháp hóa cần sa theo diện y tế (New York, Nevada, Michigan, Maryland, Montana, Hawaii...) và 9 bang sử dụng cần sa phục vụ giải trí, trong đó có California, Colorado, Massachusetts, Alaska, Oregon, Washington D.C...; (3) Canada(10-2018) đã chính thức hợp thức hóa cần sa giải trí, trở thành nước thứ 2 trên thế giới làm điều này. Theo quy định mới, công dân Canada từ 18-21 tuổi trở lên có quyền mua tối đa 30 gram và có thể trồng không quá 4 cây/người. Luật sẽ giúp chính phủ Canada quản lý thị trường cần sa chặt chẽ hơn, ngăn chặn trẻ em dưới 18 tuổi tiếp cận chất kích thích này; (4)Ngoài ra, việc hợp pháp hóa cần sa trong lĩnh vực y tế còn ở các nước ở Trung và Nam Mỹ khác như Mexico, Ecuador, Brazil, Argentina, Colombia…

Tại châu Á-Âu-Phi: (1) Thái Lan dự định sẽ hợp pháp hóa cần sa theo diện y tế và tiến hành xây dựng cơ sở trồng cần sa 800 héc ta phục vụ cho mục đích nghiên cứu y học tại tỉnh Sakon Nakhon. Và đang chuẩn bị thông qua dự luật về hợp pháp hóa cần ca. Một khi luật này được thông qua, không chỉ các bệnh nhân hưởng lợi mà nền kinh tế Thái Lan cũng thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc sản xuất và xuất khẩu cần sa, thậm chí ngành du lịch Thái Lan cũng có hy vọng tăng trưởng nhảy vọt. Phó Chủ tịch phụ trách Marketing Công ty cần sa Thái Lan Jim Plamondon mới đây khẳng định hiện Thái Lan có thể sản xuất loại cần sa có chất lượng tốt nhất với giá chỉ bằng một phần giá của các nhà sản xuất phương Tây, và hy vọng Thái Lan sẽ trở thành nhà sản xuất cần sa hàng đầu thế giới trong tương lai không xa;

(2) Tại Hà Lan, mỗi cá nhân được trồng dưới 5 cây cần sa vì mục đích "giải khuây"; (3) Tây Ban Nha cho phép người sử dụng trồng và mua cần sa thông qua các hợp tác xã nhỏ; (4) Jamaica (25-2-2014) đã thông qua một đạo luật phi hình sự hóa đối với việc sở hữu một lượng nhỏ cần sacho các mục đích tôn giáo. Chính phủ nước này cũng đang vận động để hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa và phát triển thành một ngành công nghiệp để dùng trong y tế - giải trí, giống như các bang của Mỹ; (5) Zimbabwe (29-4-2018) trở thành quốc gia thứ 2 tại châu Phi hợp pháp hóa việc trồng cần sa để phục vụ cho mục đích chế xuất dược phẩm và nghiên cứu khoa học sau Lesotho, nước vừa cấp phép hồi năm 2018.

Tại châu Úc: Đại đa số người dân Úc nhất trí hợp pháp hóa cần sa và hợp thức cần sa dùng trong y tế; cần sa cho mục đích giải trí cũng đang dần được ủng hộ hơn. Cuộc khảo sát mới nhất của cơ quan Khảo sát chiến lược ma túy quốc gia Úc (NDSH) cho thấy 84,4% người Úc ủng hộ việc hợp thức hoá cần sa dược phẩm. Ở Úc, ngày càng nhiều người ủng hộ việc hợp pháp hoá cần sa. Từ năm 2013-2018, tỷ lệ ủng hộ tăng từ 26% lên 35,4%.

Sử dụng cần sa lâu ngày có thể gây ra tổn hại về mặt thể chất

Một số công trình nghiên cứu đã chứng minh được tác dụng của cần sa như giảm đau, ngăn nôn mửa, kích thích đói, làm giãn phế quản (trong bệnh hen), chống co thắt (trong bệnh Parkinson và xơ mảng), giãn mạch (trong bệnh tăng nhãn áp). Tuy nhiên, những tác hại trước mắt và lâu dài về loại ma túy này là khá nghiêm trọng. Bởi vì thành phẩn chủ yếu trong cây cần sa là chất Tetrahydrocannabinol, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương của con người. Nếu sử dụng chúng quá liều sẽ gây ra các tác hại sau:

Thứ nhất, tác động lên hệ thần kinh trung ương gây ra ảo giác nguy hiểm, người sử dụng sẽ không làm chủ được hành vi, từ đó dẫn đến các hành vi như chém giết người khác hoặc tự làm đau bản thân hoặc tự tử.

Thứ hai, tăng mức độ gây nghiện và giảm trí nhớ: tính chất gây nghiện của cần sa cũng giống như heroin, người sử dụng càng ngày càng muốn tăng liều.

Theo các nghiên cứu mới đây, chất THC làm cho những hoạt động trong vùng hippocampus của não bị đình trệ, làm chậm sự hoạt động của ký ức. Khi khả năng lưu trữ ký ức bị chậm lại, não bộ sẽ lưu trữ thông tin đang được tiếp nhận ít hơn.

Thứ ba, chất THC có trong cây cần sa làm cho hệ thống dopamine trong cơ thể người hoạt động mạnh, điều này tạo cho cơ thể cảm giác hưng phấn, bồn chồn… Sự hưng phấn này làm cho cơ thể người sử dụng xuất hiện những rối loạn về thời gian phản ứng, về sự phối hợp giữa các hoạt động cơ học và cảm xúc về thị giác. Những sự sai biến về khái niệm thời gian, trong thị giác (thấy những hình ảnh biến dạng kỳ lạ) và thính giác (nghe thấy những tiếng động bất thường) có thể xảy ra với người dùng cần sa.

Thứ tư, khiến người dùng suy giảm khả năng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp. Các nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, người hút cần sa mỗi ngày thường hay bị đau ở đâu đó trong người và hay bị ốm vặt bởi vì cần sa làm tiêu hao T- cell (tế bào chính để chống nhiễm khuẩn), dẫn đến suy giảm tính miễn dịch. Khi sử dụng lâu dài, cần sa gây ra các hiệu ứng bất lợi lớn như tăng nguy cơ các bệnh về đường hô hấp liên quan đến hút thuốc, bao gồm ung thư, giảm khả năng học tập, làm việc.

Thứ năm, ảnh hưởng lớn tới hô hấp (phổi): Theo một vài nghiên cứu mới đây cho thấy, trong cần sa có nhiều chất gây ung thư hơn thuốc lá tới 50-60% (một điếu cần sa có thể gây nguy hại cho phổi bằng hút 5 điếu thuốc lá liên tục); cần sa không có đầu lọc, đồng thời người hút thường hít mạnh hơn, giữ khói lâu hơn trong phổi. Tuy hút cần sa ngắn hạn gây ra sự tăng độ giãn nở của phổi, giảm co thắt cuống phổi ở người bệnh suyễn nhưng hút cần sa lâu dài lại gây ra những rối loạn về chức năng phổi. Dùng cần sa thường xuyên có thể  gây ra các bệnh nghẽn phổi như sơ tế bào gian bào phổi.

Cuối cùng, làm thay đổi cấu trúc tinh trùng ở nam giới (do giảm testosterone) và làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ. Phụ nữ hút cần sa có nguy cơ sinh con dị tật hoặc đẻ non, thiếu cân và xuất hiện những bất thường: con thiếu năng động, thiếu khả năng tập trung; khó hòa nhập cuộc sống và giảm các chỉ số IQ.

Việc lạm dụng và buôn bán cần sa làm gia tăng các băng nhóm tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông và khó định thuế

Thứ nhất, làm gia tăng các loại tội phạm: Các nghiên cứu của Mỹ chỉ ra rằng, việc hợp pháp hóa cần sa vẫn khó kìm hãm sự gia tăng đáng kể tội phạm, đặc biệt là bạo lực khi cần sa gây ảo giác làm người sử dụng không thể kiểm soát được hành vi. 

Trong một báo cáo về tác động của hợp pháp hóa cần sa ở California, các chuyên gia cho rằng, sự gia tăng số lượng các vụ cướp nhà băng, trộm cắp có thể được kết hợp với “ chiến lược” mới của các tổ chức tội phạm liên quan đến việc hợp thức hóa loại thuốc mềm này. Tội phạm “ăn cắp” cần sa từ các cư dân của tiểu bang để chuyển nó sang các tiểu bang khác, nơi cần sa vẫn được coi là “bất hợp pháp” và “thị trường chợ đen” đang hưng thịnh.

Tháng 1-2019, Cảnh sát Thái Lan đã đột kích vào một tòa nhà 4 tầng trên đường Din Daeng ở quận Phayathai, thu đô Bangkok; bắt giữ một giáo viên dạy tiếng Anh 46 tuổi khi đang quản lý một trang trại cần sa và bán trực tuyến (Nguồn: Nation)

Thứ hai, gây tai nạn giao thông: Cần sa làm rối loạn sự nhận thức và kéo dài thời gian phản ứng, dễ đưa tới tai nạn xe cộ. Trong năm 2017, các nhà nghiên cứu Mỹ đã khảo sát mối quan hệ giữa việc hợp pháp hóa cần sa giải trí và tần suất tai nạn giao thông chỉ rõ, khoảng 16% các vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng đều có nguyên nhân do tài xế sử dụng cần sa khi điều khiển phương tiện chuyên chở, nếu kết hợp uống rượu thì sẽ tăng cao gấp 4,7 lần gây ra tai nạn.

Thứ ba, gặp khó khăn trong việc định thuế cần sa: Nếu đánh thuế thấp thì khuyến khích hiệu suất sử dụng. Nếu đánh thuế cao thì mất đi một trong những lợi ích của việc hợp pháp hóa (loại trừ thị trường chợ đen phi pháp).

Như vậy, cần sa là một dạng của ma tuý, là chất gây nghiện nguy hiểm và gây nhiều tác hại đến cơ thể con người. Việc dùng cần sa để chữa bệnh phải qua kiểm duyệt gắt gao của những chuyên gia y tế. Do đó, không nên tuỳ tiện sử dụng cần sa để không gặp phải những nguy hiểm và những vấn đề đáng tiếc sau này.

Mặc dù loại ma túy này đã được hợp pháp hóa ở nhiều tiểu bang của Mỹ, Ecuador, Jamaica, Mexico, Cannada, Tây Ba Nha, Uruguay, Hà Lan, Argentina... nhưng vẫn còn bị phần lớn người dân Việt Nam coi là chất ma túy độc hại, bị cấm sử dụng một cách triệt để.
Theo Tiếng chuông

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD