CẢNH GIÁC VỚI MA TÚY CẦN SA VÀ CÁC “BIẾN TƯỚNG” NGUY HIỂM CỦA “CẦN SA” PHỤ HUYNH HỌC SINH CẦN BIẾT

 

Hiện nay nhiều loại ma túy “trá hình” đã len lỏi vào học đường đe dọa nghiêm trọng sự an toàn của con trẻ, nhiều học sinh đã trở thành nạn nhân hoặc bị lôi kéo vào việc tham gia vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, gây hệ lụy nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc giáo dục phòng chống ma túy tại nhà trường chỉ được lồng ghép trong các chuyên đề và các buổi sinh hoạt dưới cờ hoặc ngoại khoá. Bởi vậy, có thể dễ dàng nhận thấy sự eo hẹp trong quỹ thời gian dành cho việc giáo dục, tuyên truyền PCMT. Chính điều này đã góp phần tạo nên lỗ hổng trong công tác phòng chống ma túy học đường.

Theo nghiên cứu “Thực trạng nhận thức của học sinh, sinh viên về m.a t.ú.y: Nguyên nhân và giải pháp” của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Phòng chống m.a t.ú.y PSD (Viện PSD) năm 2015: Có 4,5% số học sinh tham gia khảo sát cho rằng mình có những kiến thức đầy đủ về các chất m.a t.ú.y; trong khi đó có tới 42,2% học sinh tham gia khảo sát không biết đến những kiến thức về ma túy, nghiện ma túy, … là gì. Đáng báo động hơn, các chất ma túmới liên tục xuất hiện gây khó khăn không chỉ cho các cơ quan chức năng trong việc giám định, kiểm soát mà đặc biệt gây khó khăn cho cả các bậc cha mẹ học sinh trong việc nhận diện, phát hiện sớm khi trẻ có dấu hiệu tàng trữ, sử dụng chất ma túy ma túy mới này. Chính vì vậy, trong bài viết này, chung tôi sẽ cung cấp một vài thông tin hữu ích giúp các bậc phụ huynh nhận diện về loại ma túy cần sa và các dạng thức trá hình của cần sa và đặc điểm người sử dụng ma túy này.

  

Hình ảnh cây cần sa tươi 

C.ần s.a có tên khoa học là: Marijuana/Cannabis. Nó còn có tên khác là: Cây gai dầu, cây đại ma, cây hoả ma, cây bồ đà... Cần sa thuộc nhóm thảo mộc, mọc hàng năm cao từ 2-3 mét, thân vuông, có rãnh dọc, mọc thẳng đứng. Lá cần sa xẻ ra từ 5-7 thuỳ hình chân vịt, mép lá khía răng cưa. Phía dưới, lá mọc đối, cuống dài, phía trên lá mọc so le, cuống ngắn, có lá kèm. Hoa c.ần s.a là loại hoa đơn tính, mọc riêng gốc, màu xanh nhạt, hoa đực mọc rủ xuống, hoa cái mọc thành bông. Hạt cần sa hình cầu, dập nát có ngửi mùi thơm.

Ma túy cần sa thường được phơi khô và xay nhỏ, cuộn thành điếu, hoặc có thể được trộn cùng với thuốc lá để hút. Tinh dầu cần sa có hàm lượng THC và gây nghiện mạnh nhất, nó có thể được bôi lên đầu thuốc lá hoặc pha trộn cùng tinh dầu thuốc lá điện tử (vape, pod) - là mối đe dọa đối với các bạn trẻ nếu như sử dụng phải sẽ gây nhiều hậu quả khôn lường.

Không những vậy, việc luật pháp của một số quốc gia cho phép hợp pháp hóa c.ầ.n s.a, nên theo đó, rất nhiều các sản phẩm là thực phẩm chức năng, các loại thức ăn, đồ uống được pha trộn cần sa đã, đang thẩm lậu, xâm nhập vào nước ta, vụ việc điển hình diễn ra ngày 25/10/2021 có 13 học sinh của trường THCS Hoành Bồ - Quảng Ninh vô tình ăn phải bánh kẹo có chứa cần sa bị ngộ độc phải đi cấp cứu đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề này nếu như các cơ quan chức năng không có các biện pháp giáo dục học sinh và phòng ngừa quyết liệt; bản thân mỗi chúng ta cũng cần phải có các kiến thức, kỹ năng để nhận biết các dạng thức trá hình của ma túy nói chung và ma túy cần sa nói riêng.

 

 

 

Hình ảnh một số loại kẹo, socola, bánh quy có chứa cần sa

Khi sử dụng các loại đồ ăn chứa c.ần s.a hoàn toàn có thể gây ra sự lệ thuộc (nghiện) giống như việc sử dụng cần sa trực tiếp thậm chí nguy hại hơn nếu các sản phẩm đó được pha trộn với các chất hoá học tạo màu, tạo mùi với hàm lượng và nồng độ không xác định.

Một số dấu hiệu giúp các bậc phụ huynh có thể nhận biết khi con em mình sử dụng cần sa đó là: Môi khô, mắt đỏ - nhìn rõ các mạch máu trong mắt, ngủ nhiều và ăn nhiều một cách bất thường; nơi sử dụng có mùi khét đặc trưng và khi hút sẽ để lại tàn tro màu đen; tâm lý trầm mặc hoặc hưng phấn hơn bình thường, lười vận động hơn do tác động của chất ma túy trong cần sa làm cho người sử dụng khó vận động cơ, mất khả năng phối hợp và giữ thăng bằng dẫn đến nguy cơ gây tai nạn khi tham gia giao thông rất cao sau khi sử dụng cần sa và các chế phẩm của cần sa.

Sử dụng cần sa sẽ gặp phải những tác hại điển hình là làm suy giảm trí nhớ, gây mất tập trung. Đối với con em trong độ tuổi đến trường điều này sẽ khiển các em không thể tập trung học tập và ghi nhớ các kiến thức thầy cô giảng dạy làm giảm khả năng học tập. Hợp chất THC - TetraHydroCannabinol, CBD – Cannabidiol trong cần sa và chế phẩm cần sa có khả năng tác động lên hệ thần kinh trung ương gây hoang tưởng, ảo giác, khiến người sử dụng có cảm nhận sai lệch về không gian, thời gian. Bên cạnh đó, sử dụng các chế phẩm của cần sa khiến cho người sử dụng có nguy cơ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như ung thư phổi, ung thư phế quản,… Đặc biệt là nguy cơ lệ thuộc/nghiện loại ma túy cần sa này sẽ khiến cho các em học sinh gặp phải các rối loạn tâm thần đồng diễn như trầm cảm/hưng cảm hoặc dễ bị kích động dẫn tới mất kiểm soát hành vi, tự làm hại bản thân, tự sát hoặc người xung quanh.

Hy vọng qua bài viết đã cung cấp các thông tin giúp quý bạn đọc và đặc biệt các quý phụ huynh có thông tin hữu ích trong nhận diện và phòng ngừa ma túy cần sa và các dạng biến tướng - trá hình của loại ma túy này. Trên thực tế còn rất nhiều loại ma túy và chất gây nghiện nguy hiểm khác, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tin tức cho quý vị trong các bài viết tiếp theo.

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG PHÒNG CHỐNG MA TÚY PSD

Hotline Hỗ trợ cai nghiện/Tư vấn tâm lý: 097.131.5474 / 035.858.9616

Địa chỉ: Tầng KT - Tòa nhà 21T1 - Khu đô thị Hapulico - 83 Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân - Hà Nội.

Email: hanhchinhnhansu.psd@gmail.com | Facebook: Viện PSD