Wednesday, July 06, 2022
BẢO VỆ THẾ HỆ TRẺ TRƯỚC HIỂM HỌA MA TÚY
Subscribe
  • Trang chủ
  • Về Chúng Tôi
    • Giới thiệu chung
      • Giới thiệu chương trình
    • Văn hóa tổ chức
    • Tầm Nhìn và Sứ Mệnh
  • Phòng chống ma túy
    • Tin tức
    • Hoạt động của chương trình
    • Thư viện
    • Kiến thức về ma túy
  • Về Chương Trình
    • Bộ tài liệu kỹ năng PCMT
    • Chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng PCMT
    • Sự kiện tuyên truyền PCMT
    • Cuộc thi tìm hiểu PCMT
    • Phim, phóng sự, tài liệu PCMT
    • Game và ứng dụng PCMT
    • Quỹ phòng chống ma túy VIF
    • Khu trưng bày tác hại của ma túy
  • Cộng Đồng
    • Góc nhìn của người trong cuộc
    • Ý nghĩa đối với cộng đồng
    • Gương sáng
  • Liên Hệ
Hoạt động của dự án Tin tức

Vai trò của tôn giáo nói chung và công giáo trong công tác phòng chống ma túy

4 Tháng Bảy, 2022 bởi admin

Tôn giáo nói chung và công giáo nói riêng có vai trò, ý nghĩa to lớn, định hướng cho các tín đồ, tu sĩ… thực hiện các hành vi đúng chuẩn mực đạo đức và hướng đến vì cộng đồng khỏe mạnh, hạnh phúc và bình an. Trong công tác phòng chống ma túy cho cộng đồng công giáo nói riêng và xã hội nói chung, cộng tác viên, tình nguyện viên công giáo là lực lượng có vai trò quan trọng.

Tôn giáo có vai trò vô cùng to lớn đối với công tác phòng chống ma túy. Trong đó, thiên chúa giáo, công giáo không chỉ tham gia vào hoạt động phòng ngừa sử dụng ma túy mà còn tham gia vào công tác cai nghiện ma túy và đã có những kết quả tích cực.

Theo một nghiên cứu của Mỹ, thanh niên theo tôn giáo sử dụng đồ uống có cồn ít hơn 3 lần và sử dụng ma túy ít hơn 4 lần so với thanh niên không theo tôn giáo. 84% các nghiên cứu khẳng định tôn giáo làm giảm nguy cơ nghiện ma túy; 82% số người tham gia các chương trình cai nghiện và phục hồi kết hợp đức tin tôn giáo từ bỏ ma túy sau một năm, so với tỷ lệ 55% số người tham gia chương trình cai nghiện phi tôn giáo. Hiện có khoảng 13000 tổ chức thuộc tất cả các tôn giáo ở Mỹ có các chương trình hoạt động trợ giúp việc cai nghiện và đã cứu sống khoảng 20.000 người Mỹ mỗi năm.

Tại Việt Nam, các tổ chức tôn giáo và đồng bào tôn giáo nói chung, công giáo nói riêng cũng đã có nhiều hoạt động, cách làm hay, sáng tạo, đóng góp tích cực vào công tác phòng chống ma túy.

Cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Caritas Hà Nội cho biết: “Trong các năm qua, Viện thánh cũng đã tổ chức rất nhiều sự kiện, chương trình về ma túy và HIV/ AIDS.” Trong hai ngày 25,26/6 vừa qua, Uỷ ban BAXH – Caritas Hà Nội  đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD tổ chức chương trình tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng chống ma túy cho nhóm nòng cốt và cộng tác viên và tình nguyện viên công giáo. Đây là chương trình mang ý nghĩa thiết thực, góp phần làm tốt công tác tuyên truyền và giúp những người nghiện ma túy trong giáo hội cai nghiện thành công.

Khẳng định vai trò của thành viên nòng cốt, cộng tác viên, tình nguyện viên công giáo

Nhóm thành viên nòng cốt, cộng tác viên, tình nguyện viên công giáo là lực lượng có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống ma túy cho cộng đồng công giáo nói riêng và xã hội nói chung. Để làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống ma túy cho cộng đồng, cộng tác viên, tình nguyện viên công giáo cần tích cực tham gia các khóa tập huấn, chủ động cập nhật, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết. Sau khi trau dồi đầy đủ kiến thức và kỹ năng, cộng tác viên và tình nguyện viên công giáo cần đẩy mạnh triển khai thực hiện tuyên truyền về phòng chống ma túy cho cộng đồng; tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng chia sẻ kiến thức về ma túy, tác hại của ma túy; chia sẻ thông tin về các phương pháp cai nghiện ma túy hiệu quả cho cộng đồng…

Đồng thời, cần huy động, kết nối các nguồn lực trong cộng đồng để phòng chống ma túy hiệu quả: huy động cá nhân, gia đình, tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia phòng chống ma túy tại địa phương; thực hiện xã hội hóa công tác phòng chống ma túy sâu rộng trong cộng đồng dưới các hình thức như thiện nguyện, tình nguyện… Ngoài ra, cần thực hiện tốt công tác giám sát, hỗ trợ, phát hiện và ngăn ngừa cộng đồng sử dụng ma túy, giám sát và hỗ trợ người sử dụng ma túy trong cộng đồng phục hồi… Cần phát huy vai trò niềm tin, đức tin trong mỗi cá nhân trong việc phòng ngừa lạm dụng ma tuý và hỗ trợ người sử dụng ma tuý từ bỏ ma tuý hiệu quả, bền vững.

Trong khuôn khổ chương trình tập huấn diễn ra trong hai ngày 25,26/6 vừa qua, các chuyên gia của Viện PSD đã trình bày các tham luận xoay quanh các chủ đề, bao gồm: Tình hình phòng chống ma túy trên thế giới, tại Việt Nam hiện nay và Can thiệp dự phòng nghiện ma tuý; Kỹ năng nhận biết về ma túy, nghiện ma túy và nguyên nhân dẫn đến hành vi sử dụng ma tuý; Kỹ năng nhận biết người sử dụng/nghiện ma túy; Hướng dẫn sử dụng Bộ tài liệu “Kỹ năng Phòng, chống ma tuý cho học sinh Trung học”; Nguyên tắc khi tiếp cận, hỗ trợ cho người sử dụng ma túy, nghiện ma túy (Nguyên tắc tôn trọng, không phán xét, nguyên tắc bảo mật thông tin, nguyên tắc đảm bảo sự an toàn …); Kỹ năng tiếp cận và hỗ trợ người sử dụng/nghiện ma tuý; Vai trò niềm tin tôn giáo, cộng tác viên Công giáo trong công tác phòng, ngừa ma túy và chống tái nghiện ma túy cho cộng đồng Công giáo; Phương pháp cai nghiện ma túy hiện nay (Chia sẻ về Phương pháp “Chống tái nghiện ma tuý bằng trị liệu tâm lý” của Viện PSD)…

Chia sẻ về chương trình, Đại tá, Bác sỹ Tạ Đức Ninh, Phó Viện trưởng Viện PSD cho biết: “”Buổi tập huấn như một sự bổ kết, tập huấn thêm cho những người công giáo. Trước đây, họ đã làm rất tốt các chương trình, sự kiện về phòng chống ma túy cũng như tìm hiểu về HIV/ AIDS. Tôi mong muốn khi có thêm sự đóng góp của Viện PSD và sự hỗ trợ của mình thì sẽ giúp ích cho họ những thiếu thốn về mặt kiến thức, về mặt chuyên môn và họ sẽ làm tốt công tác phòng chống ma túy. Đây chính là mục đích và ý nghĩa to lớn của buổi tập huấn lần này.”

Read More
Bài viết mới Tin tức

Lấy phòng ngừa là chính, không để gia tăng tội phạm và tệ nạn ma túy

23 Tháng Sáu, 2022 bởi admin

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu “giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy” theo chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống ma tuý các cấp, các ngành và địa phương quán triệt phương châm lấy phòng ngừa là chính, hạn chế phát sinh người nghiện mới; kìm chế, không để gia tăng tội phạm và tệ nạn ma túy.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an: Cần phát huy vai trò của cấp xã, phường mà nòng cốt là lực lượng Công an xã, trong công tác phòng, chống ma túy ngay từ cơ sở – Ảnh: VGP

Các Bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy; tuyên truyền về hậu quả nghiêm trọng của các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy, về tác hại của ma túy, nhất là ma tuý tổng hợp, nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống ma tuý cho mọi tầng lớp nhân dân; trong đó, chú trọng tuyên truyền cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và những người dễ tổn thương bởi tội phạm và tệ nạn ma tuý, tạo sự đồng thuận và sức lan tỏa của toàn xã hội tham gia vào công tác phòng, chống ma tuý.

Lực lượng chức năng ở cơ sở, nhất là lực lượng Công an cấp xã, lực lượng Y tế, LĐTB&XH tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá chính xác và nắm chắc tình hình người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý cư trú trên địa bàn để phục vụ công tác quản lý, nhất là các đối tượng có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá” nhằm làm tốt công tác phòng ngừa, không để các đối tượng gây ra các vụ việc làm mất an ninh trật tự; làm tốt công tác xác định tình trạng nghiện; thực hiện các hình thức cai nghiện phù hợp theo quy định, trong đó chú trọng biện pháp cai nghiện bắt buộc.

Đồng thời tổ chức quản lý người đã hoàn thành các biện pháp cai nghiện ma túy, bao gồm quản lý về cư trú, tư vấn giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng, phòng, chống tái nghiện ma túy, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi tái sử dụng trái phép chất ma túy, tái nghiện hoặc các hành vi vi phạm pháp luật.

Ưu tiên bảo đảm nguồn lực cho công tác cai nghiện, xác định tình trạng nghiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai nghiện; đẩy mạnh xã hội hoá công tác cai nghiện. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành LĐTB&XH, Y tế và Công an trong phòng, chống ma túy.

Cùng với tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, quán lý sau cai để góp phần từng bước giải quyết “nguồn cầu”, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy các bộ, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an các cấp chủ động nắm chắc tình hình, đấu tranh ngăn chặn nguồn ma túy từ sớm, từ xa, không để Việt Nam làm trở thành địa bàn sản xuất, tập kết, trung chuyển ma tuý.

Tập trung lực lượng, phương tiện đấu tranh quyết liệt trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy; triệt xóa các đường dây tội phạm ma túy, các điểm, tụ điểm và chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lĩnh vực phòng, chống tội phạm ma túy; triển khai hiệu quả các văn bản thỏa thuận hợp tác phòng, chống ma túy với các nước…

Ngoài ra, đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; khai thác tối đa hiệu quả hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước công dân phục vụ công tác quản lý xã hội, quản lý con người. Qua đó, hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy.

Phát huy vai trò của cấp xã, phường mà nòng cốt là lực lượng Công an xã, trong công tác phòng, chống ma túy ngay từ cơ sở, nhất là công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, công tác xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ áp dụng các biện pháp cai nghiện phù hợp.

Tình hình người nghiện, sử dụng ma túy diễn biến phức tạp

Theo Bộ Công an, hiện nay toàn quốc có trên 217.059 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; 59.537 người sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là “nguồn cầu” tiêu thụ ma túy rất lớn và có xu hướng gia tăng qua từng năm, là nguy cơ tiềm ẩn gây mất an ninh trật tự, bức xúc trong nhân dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng CAND, chủ công là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã khám phá thành công 13.417 vụ, bắt 20.048 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy, thu giữ 466 kg heroin, 926kg + 2.568.944 viên ma túy tổng hợp, 137 kg cần sa, cùng nhiều vật chứng liên quan; triệt xóa 204 điểm, 20 tụ điểm phức tạp về ma túy; phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, bắt giữ được các đối tượng cầm đầu, thu giữ số lượng ma tuý rất lớn.

Các cơ sở cai nghiện ma túy trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho gần 42.000 người, trong đó tiếp nhận mới gần 4.500 người theo quy định mới của Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi năm 2021. 100% các địa phương tổ chức quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng; đã tổ chức nghiên cứu, triển khai thí điểm một số mô hình cai nghiện ma túy hoạt động hiệu quả theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện của Chính phủ.

Theo Tiếng Chuông

Read More
Bài viết mới Kiến thức về ma túy Tin tức

Cảnh báo nguy hiểm từ loại ma túy mới Socola Chill Max

23 Tháng Sáu, 2022 bởi admin

Công an TP Hà Nội xác nhận thông tin vào ngày 30/5 vừa qua, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, huyện Đông Anh tiếp nhận và điều trị 5 bệnh nhân có triệu chứng lơ mơ, khó thở. Các bệnh nhân sau khi ăn kẹo socola khoảng 20 phút, xuất hiện dấu hiệu khó thở, sau đó bất tỉnh và được đưa đi cấp cứu.

Nhận thấy dấu hiệu bất thường, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Đông Anh đã gửi mẫu socola trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự – Công an TP Hà Nội giám định.

Các giám định viên của Phòng kỹ thuật hình sự, Công an TP Hà Nội đã tìm thấy chất ADB-BUTINACA trong các viên kẹo socola. Chất ADB-BUTINACA là chất thường được phát hiện có trong các mẫu “cỏ Mỹ”.

ADB-BUTINACA có tác dụng gây ảo giác tương tự như các chất ma túy thuộc nhóm Cần sa tổng hợp được tẩm vào các mẫu thảo mộc, nhưng không có trong Danh mục các chất ma túy theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 và Nghị định 60/2020/NĐ-CP ngày 29/05/2020.

Trước đây, trên địa bàn TP Hà Nội đã xuất hiện những loại ma túy dạng thanh socola có tên gọi “Cannabis chocolate”, về hình thức không khác gì thanh socola bán trên thị trường, nhưng thực chất là hỗn hợp cần sa trộn lẫn bột cacao, trong đó thành phần chính là THC, CBN, CBD là chất được chiết xuất từ cây cần sa, gây ảo giác cho người sử dụng.

Tuy nhiên hiện nay, bên trong những sản phẩm này lại chứa chất ADB-BUTINACA gây rối loạn cảm xúc, lo lắng, căng thẳng, ảo giác rối loạn tâm thần, và ý thức thoát ly thực tại.

Mẫu viên socola như trên được đóng vào hộp giấy ghi nhãn hiệu “Socola Chill Max” và bán một cách công khai, rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Các loại ma túy mẫu mới trên đều có hình thức, màu sắc bắt mắt, gây tò mò đối với thanh thiếu niên nên có nguy cơ trở thành các loại ma túy học đường.

Đặc biệt nguy hiểm hơn là trên một số diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội, nhiều đối tượng đã mở topic chia sẻ các trải nghiệm khi sử dụng các chất thức thần để cổ vũ, lôi kéo người sử dụng các loại ma túy dạng mới như “cỏ Mỹ” (thảo mộc tẩm ướp hóa chất có tác dụng gây ảo giác như cần sa), “tem giấy” và “nấm thần”. Những câu chuyện “trải nghiệm” được kể hấp dẫn như một chuyến du lịch khám phá.

Thậm chí, các đối tượng còn truyền bá tài liệu chi tiết hướng dẫn quy trình tự trồng cây cần sa, nấm thần, cách điều chế, chiết xuất thành phẩm ma túy… và cách sử dụng. Chính điều này đã gây tò mò cho các bạn trẻ lên mạng đặt mua ma túy để thử “trải nghiệm”, hoặc vi phạm pháp luật khi trở thành người phân phối, gieo trồng các loại ma túy này.

Với tình hình phức tạp của các chất ma túy mới này, lực lượng Công an thành phố Hà Nội đang tích cực đấu tranh, xử lý các vụ việc trên. Bên cạnh công tác điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm của cơ quan pháp luật thì đây cũng là lời cảnh báo đối với các thanh, thiếu niên và bậc phụ huynh trong việc quản lý con em mình để kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của các loại ma túy dạng mới với hình thức ngày càng tinh vi.

Read More
Kiến thức về ma túy Tin tức

Cảnh giác các loại ma túy trá hình len lỏi vào học đường

14 Tháng Sáu, 2022 bởi admin

Ma túy tổng hợp giá rẻ, dễ cất giấu và sử dụng nên dễ dàng, nhanh chóng len lỏi vào học đường với các tên gọi gây tò mò “tem giấy, bùa lưỡi, nước vui, khô gà…”.

Hiện nay, ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường. Nhiều học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo đã trở thành nạn nhân hoặc tham gia tàng trữ, mua bán ma túy, tiềm ẩn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong đời sống xã hội, mà trực tiếp là môi trường học đường và bản thân các em học sinh, sinh viên.

Ma túy tổng hợp có giá rẻ, dễ cất giấu nên len lỏi vào học đường với các tên gọi gây tò mò như “tem giấy”, “bùa lưỡi”, “nước vui”, “trà sữa” hay “khô gà”.

Theo đó, các loại ma túy này thường có hình thức như một loại nước ngọt, bánh kẹo ăn vặt thông thường, nhưng mang thương hiệu và bao bì lạ. Những người bán sử dụng nhiều mánh khóe từ từ đưa ma túy đến tay người dùng là học sinh; sinh viên trong đó, phổ biến nhất là ở các trường cấp 2, 3.

Ban đầu, chúng dụ dỗ bằng cách cho dùng thử miễn phí, sau đó mang vào cho bạn bè cùng dùng thử. Chỉ 1-2  lần nhiều học sinh đã mắc bẫy tìm mọi cách để mua về sử dụng. Ma túy tổng hợp trở nên kích thích hơn khi sử dụng kèm với rượu, bia trong môi trường âm nhạc mạnh.

Đáng nói, các loại ma túy này liên tục thay đổi hình dạng và quá nhiều chất khác nhau nên rất khó phát hiện. Thậm chí nhiều trường hợp xét nghiệm âm tính dù bệnh nhân có những biểu hiện rõ ràng. Xét nghiệm âm tính không phải vì bệnh nhân không dùng ma túy, mà do chất ma túy mới này hệ thống xét nghiệm không phát hiện ra.

Học sinh, sinh viên cần lưu ý một số loại ma túy trá hình sau đây:

Nước xoài

 

Loại ma túy mới tên Bromazepam ngụy trang trong gói ni lông có dòng chữ ‘Crispy Fruit Mango’, còn gọi là nước xoài, bên trong chứa bột màu vàng. Kết quả giám định kết luận chất bột màu vàng trong gói nilông trên có khối lượng 17,6798 gram, là ma túy ở thể rắn.

Cỏ Mỹ 

 

Cỏ Mỹ là một loại hỗn hợp thảo mộc khô, được pha tẩm với chất tỏa mùi thơm và các hóa chất tổng hợp độc hại. Không có bất cứ thành phần nào của cây cần sa tự nhiên mà chỉ là các chất tương tự thành phần các hóa chất trong cần sa; hơn nữa các thành phần hóa chất trong cỏ Mỹ liên tục thay đổi nên người dùng rất khó biết đang đưa vào cơ thể những gì khi hút.

Cỏ Mỹ thường được lưu hành dưới dạng thảo mộc khô, nghiền nhỏ. Tác hại của Cỏ Mỹ có thể mạnh hơn cần sa đến 1.000 lần. Cỏ Mỹ gây đầu độc não, gây tê liệt chức năng não, làm mất nhận thức, nặng hơn là làm bộ não chết hẳn, đưa đến trạng thái hôn mê trong vài phút sau khi hút. Ngoài ra, Cỏ Mỹ cũng có thể gây rối loạn tâm thần, liên tục buồn ngủ hay đau đầu. Làm tăng nhịp tim, mất khả năng điều khiển vận động nếu dùng với liều cao hoặc trong thời gian dài.

Tem giấy (hay còn gọi là LSD, bùa lưỡi)

 

Dạng tồn tại của LSD: Dân chơi gọi LSD là “Bùa lưỡi”, “tem thư”, “kẹo dán”… do được tẩm vào miếng giấy nhỏ có in hình các nhân vật hoạt hình, hoặc hình thù ngộ nghĩnh có nhiều màu sắc vui mắt. Mỗi miếng giấy tẩm LSD thông thường có kích thước 1,5cm x 1,5cm, có khả năng tan trong nước và chất cồn. Nó tác dụng trực tiếp đến cơ thể người sử dụng thông qua cơ quan vị giác – lưỡi. Thời gian để “tem giấy” tan hết trong miệng thường là 3 giờ, LSD sẽ tác dụng trực tiếp lên não người sử dụng.

Người sử dụng LSD sẽ cảm thấy mất đi vị giác, mất ngủ, khô miệng, run rẩy, tâm trạng thay đổi thất thường. Thị giác của họ cũng trở nên nhạy cảm hơn đối với một số màu sắc. Các triệu chứng đầu tiên là giãn đồng tử, thân nhiệt thất thường, huyết áp và nhịp tim rối loạn. Một số người còn có thể đổ mồ hôi như tắm, hoặc cảm thấy ớn lạnh. LSD có thể gây ra các bệnh về tim mạch, đau cơ…

Read More
Bài viết mới Bộ tài liệu kỹ năng PCMT Tin tức

Bộ tài liệu kỹ năng phòng chống ma túy – cẩm nang hữu ích cho học sinh khi nghỉ hè

9 Tháng Sáu, 2022 bởi admin

Học sinh trên cả nước đang chuẩn bị cho kỳ nghỉ hè sắp tới, đây cũng là lúc cha mẹ học sinh quan tâm, tìm tòi sân chơi bổ ích để các em được rèn luyện thể chất, trau dồi kỹ năng sống, thỏa sức thể hiện năng khiếu. Nhiều bậc phụ huynh cũng muốn dành thời gian hè để cùng các con tự tìm hiểu kiến thức về ma túy và kỹ năng để phòng tránh ma túy, thông qua bộ sách Kỹ năng phòng chống ma túy do Viện PSD biên soạn và đã được Bộ GD&ĐT thẩm định.

Để giúp con em mình có một kỳ nghỉ hè được trọn vẹn, nhiều cha mẹ học sinh đã nhanh chóng tìm các lớp học kỹ năng sống, lớp học nhảy – múa, cũng có nhiều gia đình lựa chọn cho con em về quê nghỉ ngơi mấy tháng hè cùng ông bà… Nhiều năm nay, nhận thấy thực trạng ma túy ngày càng phức tạp hơn, tìm mọi cách để xâm nhập học đường, nhiều cha mẹ đã rất lo lắng và mong muốn con em mình được học thêm kiến thức, kỹ năng để phòng tránh ma túy tại nhà trường.

Tuy nhiên, các chương trình tuyên truyền phòng tránh ma túy tại trường học không được tổ chức thường xuyên, học sinh và ngay cả phụ huynh cũng hổng rất nhiều kiến thức về ma túy, trong bối cảnh ma túy mới xuất hiện mỗi ngày. Để chủ động tìm thêm kiến thức đầy đủ nhất, trang bị cho con em mình, nhiều bậc phụ huynh đã tìm mua cuốn sách Bộ tài liệu phòng chống ma túy – Bộ tài liệu chính thống đầu tiên được Bộ GD&ĐT thẩm định.

Bộ tài liệu gồm 4 cuốn dành cho 4 đối tượng cụ thể, trong đó có 2 cuốn dành cho học sinh THCS và học sinh THPT. Đây là hai đối tượng cần được tiếp cận với hai cách thức riêng biệt, dựa vào tâm lý lứa tuổi và phù hợp với chương trình học tập tại nhà trường. Bộ tài liệu dành cho học sinh được các nhà biên soạn tập trung xây dựng các kỹ năng phòng ngừa ma túy cho các em, giúp các em nhận biết được những dấu hiệu của người sử dụng ma túy, từ đó tránh xa và tăng thêm hiểu biết cho các em về các loại ma túy.

Mỗi cuốn tài liệu sẽ được chia làm 2 phần cơ bản, phần thứ nhất đề cập đến kỹ năng nhận biết về ma túy và tác hại của ma túy (định nghĩa, cách phân loại, tác hại của ma túy…); phần thứ 2 đưa ra các tình huống nguy cơ cụ thể, có thể tác động đến học sinh và hướng dẫn, gợi ý cách thức xử lý tình huống.

 

Cuối mỗi cuốn tài liệu là những thông tin hữu ích về pháp luật và những quy định cụ thể về những hành vi phạm tội liên quan đến ma túy. Trong đó các điều luật chỉ rõ các mức độ xử lý cụ thể nếu như người vi phạm là học sinh. Từ đây, các bậc phụ huynh, giáo viên sẽ có cái nhìn bao quát, hiểu biết về pháp luật để cùng hỗ trợ, giám sát, hướng dẫn con em mình cho phù hợp.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu, đây là bộ tài liệu có giá trị thực tiễn cao; các khảo sát tỉ mỉ theo từng lứa tuổi, trình độ; cách viết khoa học, dễ hiểu. Ví dụ như cuốn tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho học sinh THCS” được thiết kế tranh, ảnh, minh họa hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu và trình độ của học sinh. Lời thoại với nội dung ngắn gọn giúp học sinh dễ nhớ, hiểu và vận dụng được trong việc xác định, nhận diện các loại ma túy nguy hiểm và tác hại của chúng.

Cho đến nay, bộ tài liệu Kỹ năng phòng chống ma túy nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các nhà chuyên môn, giáo viên và học sinh. Đặc biệt, nhiều phụ huynh học sinh cũng đặt kỳ vọng vào bộ tài liệu này, coi bộ tài liệu là cuốn cẩm nang hữu ích trong dịp hè này để gia đình đồng hành cùng nhà trường trong việc giáo dục con em.

Read More
Bài viết mới Kiến thức về ma túy Tin tức

Ma túy tác động khủng khiếp tới não bộ

6 Tháng Sáu, 2022 bởi admin

Tác hại của ma túy đến cơ thể con người là điều mà không ai có thể chối cãi.

Não bộ là trung tâm thông tin của cơ thể với hàng tỷ nơ-ron thần kinh, mạng lưới này chuyển thông điệp qua lại tới các cấu trúc khác nhau trong não bộ như tủy sống và hệ thần kinh ngoại biên, điều này trực tiếp sắp xếp và điều hòa mọi suy nghĩ và hành động trong cuộc sống. Trong khi đó, ma túy là những chất hóa học nguy hại, tác động vào não bộ, đặc biệt là hệ thống thông tin, gây xáo động đường chuyền vận chuyển, tiếp nhận và xử lý thông tin bình thường của não bộ.

Theo y học thế giới, một số loại ma tuý như cần sa và heroin có thể kích hoạt tế bào thần kinh vì chúng có cấu trúc hoá học gần giống nhau và có cùng chất dẫn truyền thần kinh phù hợp với nhau. Sự đồng dạng này trong cấu trúc đã đánh lừa các thụ thể, gây nên tình trạng khoá chặn và kích hoạt tế bào thần kinh. Các chất ma túy đã tạo ra các thông điệp bất thường và vận chuyển trong não bộ.

Khi sử dụng ma túy, não bộ có thể phóng thích từ 2 đến 20 lần số dopamine có được, đây là một chất dẫn truyền thần kinh có mặt tại các khu vực điều hành sự chuyển động, tình cảm, động lực và khoái cảm – chất này có tác dụng làm tăng khoái cảm, tăng mức độ cảm thụ khoái cảm, tăng khả năng chịu đựng, giảm đau trong hầu hết các hoạt động của con người.

Các loại ma túy đá chứa amphetamine, cocaine có thể gây ra sự phóng thích bất thường một số lượng lớn các chất dẫn truyền thần kinh hoặc ngăn chặn sự thu gom bình thường các chất hoá học của não bộ. Tình trạng rối loạn này sản sinh ra một khối lượng thông điệp quá mức và dẫn đến rối loạn các kênh thông tin. Bằng chứng là nhiều người nghiện ma túy có cảm giác một người nói thầm thì trong tai mình.

Khi sử dụng ma túy, lượng dopamine trong não ngay lập tức tăng đột biến, làm hệ thống sản sinh ra hiệu ứng hưng phấn quá đà, khoái cảm mạnh mẽ kéo dài, khiến người dùng có xu hướng lặp lại hành vi sử dụng ma túy. Tuy nhiên, khi dùng ma túy, lượng dopamine tăng đột biến do sử dụng ma túy sẽ dần khiến não bộ điều chỉnh lại cơ chế hình thành dopamine bằng cách sản xuất ra ít dopamine hơn – khiến khả năng cảm nhận khoái cảm giảm bớt. Hậu quả là tác động của dopamine lên đường truyền dẫn khoái cảm của người sử dụng ma túy trở nên bất thường. Đây là lý do khiến người sử dụng ma túy sẽ dần cảm thấy chán nản, mỏi mệt, thiếu sinh khí, trầm uất… không thể tiếp tục tận hưởng những thú vui trong cuộc sống bình thường mà trước đây họ vẫn thích. Họ có xu hướng tiếp tục sử dụng ma túy để tăng lượng dopamine trở lại mức bình thường.

Read More
Bài viết mới Bộ tài liệu kỹ năng PCMT Tin tức

CẦN THIẾT PHẢI CÓ BỘ TÀI LIỆU CHUẨN VỀ PHÒNG CHỐNG MA TÚY CHO PHỤ HUYNH HỌC SINH

4 Tháng Sáu, 2022 bởi admin

Tệ nạn ma túy đang có xu hướng trẻ hóa, đối tượng tập trung chính là lứa tuổi học sinh, sinh viên. Không ít các bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng vì chính mình và các con còn thiếu nhiều kiến thức, kỹ năng cơ bản để phòng chống ma túy. Bộ tài liệu chính thống về phòng, chống ma túy ra đời như một giải pháp hữu hiệu khiến các bậc phụ huynh giảm bớt nỗi lo và trăn trở.

Trong một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) với hơn 5.000 cha mẹ, có tới 68,7% cha mẹ không biết đến những loại ma túy trá hình nguy hiểm trong các thực phẩm đồ ăn, nước uống đã và đang xâm nhập, tấn công vào học sinh, sinh viên. Điều này cho thấy, họ chưa có nhận biết đúng và đầy đủ về ma túy cũng như các kỹ năng để phát hiện và ngăn ngừa con em mình sử dụng ma túy, nghiện ma túy.

Viện PSD còn tìm hiểu và đánh giá nhận thức của phụ huynh học sinh và giáo viên về kiến thức cũng như kỹ năng hỗ trợ xử lý tình huống khi nghi ngờ và phát hiện con em mình sử dụng chất gây nghiện. Kết quả, 32,5% phụ huynh học sinh và giáo viên không biết về các loại ma túy và tác hại của các loại ma túy; 29,5% có hiểu biết một chút; 25% biết khá rõ và 13% biết rõ về ma túy.

Phần lớn kiến thức mà phụ huynh và giáo viên hiểu về ma túy mới chỉ dừng lại ở việc ma túy là chất gây nghiện, có tác động tiêu cực đến người sử dụng. Để hiểu và nhận diện đó là loại ma túy nào và tác hại ra sao, gây hậu quả thế nào với người sử dụng thì hầu như chưa nắm vững. Bên cạnh đó, kỹ năng nhận diện và xử lý khi nghi ngờ con em mình có dấu hiệu sử dụng ma túy, cũng chiếm tỷ lệ rất thấp.

Chính vì vậy, sự xuất hiện của cuốn sách “Kỹ năng phòng chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh” nằm trọng bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” là một điều cần thiết.

Trong cuốn “Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh” đóng vai trò như một cuốn cẩm nang về phòng, chống mà túy dành cho các bậc phụ huynh, cung cấp thông tin cơ bản nhất về ma túy, nghiện ma túy; Một số chính sách pháp luật về ma túy và phòng chống ma túy; Hướng dẫn cha mẹ kỹ năng để giúp con em thoát khỏi những nguy cơ liên quan đến ma túy như: Vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Cuốn sách bao gồm 2 phần chính là:

Phần thứ nhất: Kỹ năng nhận biết ma túy và tác hại của ma túy

Mục tiêu của phần này nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, dễ đọc, dễ hiểu cho cha mẹ học sinh về ma túy, những nguyên nhân, tác hại, hậu quả của nghiện ma túy; Cách thức nhận diện các thủ đoạn lôi kéo, cưỡng bức sử dụng ma túy mà học sinh có thể gặp phải.

Cha mẹ có thể nhận biết được hình dạng, màu sắc, dụng cụ sử dụng ma túy, những loại ma túy phổ biến, điển hình, các loại ma túy mới; Ma túy “trá hình” trong thực phẩm, đồ ăn, nước uống….

Phần thứ hai: Kỹ năng phòng, chống ma túy

Hướng dẫn, trang bị cho cha mẹ học sinh những kỹ năng cơ bản trong việc hỗ trợ con em phòng, chống ma túy như: Những hiểu biết về ma túy và tâm lý lứa tuổi; Cách thể hiện cảm xúc với con, lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu con em. Đồng thời cuốn sách cũng cung cấp cách thức để kiểm tra, giám sát các hoạt động của con phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi.

Qua đó, cuốn sách hướng dẫn cha mẹ cách xử lý một số tình huống điển hình như: Khi phát hiện con có nguy cơ nghiện ma túy cha mẹ cần làm gì?, Dấu hiệu của con khi bị nghiện ma túy….

Cuốn phần thứ hai của cuốn sách cũng cung cấp cho cha mẹ học sinh thông tin hữu ích về Pháp luật và những quy định cụ thể về những hành vi phạm tội liên quan đến ma túy. Trong đó, các điều luật chỉ rõ các mức độ xử lý cụ thể nếu như người vi phạm là học sinh trung học. Cha mẹ sẽ có cái nhìn bao quát, hiểu biết về Pháp luật để cùng hỗ trợ, giám sát, hướng dẫn con/em học tập, sinh hoạt theo Pháp luật.

Bên cạnh việc trang bị những kiến thức sâu rộng về ma túy, cha mẹ cũng cần có kiến thức về tâm lý của tuổi mới lớn, thường xuyên quan tâm đến những nhu cầu của con. Hãy lắng nghe, hiểu rõ những gì con mình mong muốn. Các con ở tuổi mới lớn rất cần sự giúp đỡ nhưng cha mẹ tuyệt nhiên không nên can thiệp sâu vào cuộc sống suy nghĩ của con.

Read More
Bài viết mới Tin tức

Học sinh chưa đủ 18 tuổi mua bán, sử dụng ma túy đá bị phạt như thế nào?

30 Tháng Năm, 2022 bởi admin

Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng ma túy sẽ chịu mức phạt như thế nào? Rất nhiều câu hỏi xoay quanh việc sử dụng ma túy, căn cứ nào để trả lời cho những câu hỏi trên với mục đích giúp người tìm hiểu pháp lý, đặc biệt những người dân có con, người thân, hay chính bản thân họ đang gặp phải hoàn cảnh như vậy thấy rõ được hệ quả của bản thân khi tham gia vào việc sử dụng ma túy.

Luật pháp Việt Nam về Phòng, chống ma túy hạn chế xử lý hình sự các em là học sinh dưới 18 tuổi. Hình thức chủ yếu là giáo dục và không coi hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy là tội phạm mà là các vi phạm hành chính, phải bị xử lý bằng hình thức phạt tiền, cảnh cáo.

Khi đã nghiện ma túy bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật của nhà trường là cho học sinh nghỉ học để cai nghiện.

Một số điều luật quy định về tội phạm ma túy trong chương XX, Bộ luật Hình sự năm 2015 (Tội tàng trữ, vận chuyển ma túy) có quy định khối lượng tối thiểu chất ma túy là 0,1 gam, nên khi đi mua ma túy về sử dụng bị bắt quả tang các em bị xử lý hành chính về hành vi tàng trữ.

Nếu lần sau các em đi mua về lại bị bắt và bị thu giữ chất ma túy khối lượng vẫn dưới 0,1 gam thì các em sẽ bị xử lý hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, vì “đã bị xử lý vi phạm hành chính” mà tiếp tục vi phạm.

Về tội mua, bán, tàng trữ, vận chuyển dụng cụ vào việc sử dụng ma túy khi các em bị cơ quan công an phát hiện trong túi quần áo, ba lô, cặp sách có dụng cụ sử dụng ma túy (bình đập đá, bật lửa khò, cóong, …) nếu đủ 6 đơn vị dụng cụ thì các em bị xử lý hình sự. Nếu chỉ có 1 hoặc 2 đơn vị dụng cụ thì các em sẽ bị xử lý hành chính, lần sau các em tiếp tục tàng trữ dù chỉ 1 hoặc 2 đơn vị dụng cụ, các em vẫn bị xử lý hình sự.

Nhiều em khi đi qua các tụ điểm, điểm bán ma túy được bạn gọi điện thoại di động, nhắn tin nhờ mua hộ (gói, liều, tép) ma túy, khi bị cơ quan công an bắt giữ các em vẫn bị xử lý về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, tùy theo khối lượng chất ma túy mua hộ bạn.

Read More
Bài viết mới Kiến thức về ma túy Tin tức

Cảnh báo sự nguy hiểm của ma túy nước biển

26 Tháng Năm, 2022 bởi admin

Ma túy nước biển là dạng ma túy lỏng, không màu, không mùi, vị hơi mặn. Tuy nhiên, vẫn có những dạng chế phẩm khác dưới dạng bột hoặc dưới dạng viên nén và viên nang. Chất này được một nhà hóa học người Nga giới thiệu lần đầu vào cuối thế kỉ 19.

Những năm đầu của thập niên 60 – 70 của thế kỉ 20, chất này được sử dụng để gây mê vì có khả năng ức chế thần kinh, tuy nhiên sau đó đã bị cấm vì thuốc có tác dụng phụ gây ngưng hô hấp, chỉ được khuyến cáo dùng ở một số nước Châu Âu, Hoa Kỳ cho các bệnh nhân có hội chứng cai như cai rượu hay cai thuốc phiện khác hoặc trong điều trị rối loạn giấc ngủ và phải có sự giám sát của bác sĩ.

Chất này trong y khoa có tên là Gama Hydroxybutyrate (viết tắt là GHP). Chính vì vậy, trong giới “ăn chơi” thường gọi tên tiếng lóng là “Vitamin G”.

Chất này nguy hiểm bởi sau khi uống thường bị kích thích, hưng phấn, không cảm nhận được những nguy hiểm nên rất dễ gây ra những tai nạn sinh hoạt hoặc tai nạn giao thông.

Ngày 24/5, khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Chợ Rẫy đã kịp thời cứu sống 1 trường hợp bị ngộ độc Gama Hydroxybutyrate – còn gọi là ma túy nước biển.

Trước đó, ngày 1/5, bệnh nhân K, sinh năm 1984, địa chỉ ở TP. Hồ Chí Minh cấp cứu vào BV Chợ Rẫy trong tình trạng lơ mơ, vật vã. Người nhà cho biết, tối 30/4, bệnh nhân cùng bạn đi nhậu và hòa chất kích thích có tên “ma túy nước biển” vào rượu để uống. Khi xuất hiện tình trạng lơ mơ, vật vã, kích thích, bệnh nhân được đưa bệnh viện địa phương.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy và được khoa Bệnh Nhiệt đới xử lý cấp cứu ngay lập tức. Ngoài bị kích thích vật vã, bệnh nhân còn có tăng men tim và tăng men cơ (biểu hiện của hủy cơ) rất cao, gây tổn thương nặng nề trên cơ tim và cơ vân. Hậu quả của tình trạng này là bệnh nhân bị suy thận nặng, ekip điều trị phải tiến hành lọc máu mới có thể cứu sống được.

Sau 11 ngày điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện, hiện sức khỏe đã ổn định.

Người nhà cũng cho biết, trong số hai người bạn cùng uống chung với bệnh nhân thì có một người đã tử vong trong tư thế nằm gục trên xe máy, chưa rõ nguyên nhân. Người còn lại là người cung cấp chất kích thích cũng cảm thấy đau đầu, mệt mỏi, sau khi nhập viện địa phương điều trị 1 ngày thì tình trạng ổn định và được xuất viện.

TS-BS Nguyễn Thị Thủy Ngân cho biết, chất này nguy hiểm bởi sau khi uống thường bị kích thích, hưng phấn, không cảm nhận được những nguy hiểm nên rất dễ gây ra những tai nạn sinh hoạt hoặc tai nạn giao thông…Thực tế đã có những trường hợp sử dụng thuốc này dẫn đến hưng phấn, trèo trên cao rồi ngã xuống hoặc bỏng nặng.

Nếu uống quá liều, người dùng có thể bị rơi vào hôn mê, ngủ sâu. Đã có những trường hợp ghi nhận là bệnh nhân bị “bỏ quên”, vì nghĩ rằng dùng thuốc xong chỉ ngủ thôi nhưng thực ra là người bệnh đã bị hôn mê, bị ngưng hô hấp, có thể tử vong. Điều này cũng có thể lý giải cho trường hợp 1 người trong nhóm bạn của bệnh nhân bị gục chết trên xe lúc về nhà mà không rõ nguyên nhân.

Với nguy cơ cao có thể bị lạm dụng và gây hại cho người dùng, “ma túy nước biển” (hay GHB) được lực lượng phòng chống ma túy của Mỹ (Drug Enforcement Administration US, viết tắt DEA US ) xếp vào danh mục I của nhóm thuốc cần kiểm soát chặt chẽ (Schedule I)./.

Read More
Bài viết mới Tin tức

Mỗi gia đình cần năng cao ý thức tố giác tội phạm ma túy

23 Tháng Năm, 2022 bởi admin

Gia đình là một trong những yếu tố nền tảng trong cuộc chiến chống lại tội phạm ma tuý. Để góp phần ngăn ngừa đấu tranh phòng, chống ma tuý, không thể thiếu đi một vai trò quan trọng của gia đình.

Sự thiếu quan tâm, buông lỏng giáo dục của gia đình là một trong những nguyên nhân chính khiến một số bộ phận thanh thiếu niên không tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, dễ bị bạn bè lôi kéo, rủ rê, ham vui dẫn tới sa ngã vào con đường ma tuý. Tội phạm ma túy sẽ kéo theo nhiều tệ nạn cũng như các loại hình tội phạm khác, đe dọa đến an ninh, trật tự quốc gia, đến cuộc sống lành mạnh của người dân.

Ngoài trách nhiệm giáo dục con cái và có biện pháp khi con em rơi vào con đường nghiện ngập, gia đình cũng cần có ý thức tố giác tội phạm khi chính người thân của mình sa vào tệ nạn ma túy. Phòng, chống ma túy từ gia đình là trách nhiệm của mọi thành viên trong gia đình. Nhận thức đúng vai trò và hỗ trợ cách làm đúng để phòng, chống ma túy từ gia đình, chúng ta sẽ có những tổ ấm, môi trường trong lành cho thanh thiếu niên.

Khi phát hiện con em mình sử dụng ma túy, nhiều bậc làm cha làm mẹ không tố giác mà tự cho con cai nghiện ở nhà. Tuy nhiên, hiệu quả cai nghiện không đạt được dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó đối tượng nghiện ngập phạm tội khác khiến cho tình hình càng nghiêm trọng.

Thực tế, trong nhiều trường hợp, vì tình cảm gia đình mà bố mẹ không tố giác con dù biết rõ con phạm tội liên quan đến ma túy. Trong trường hợp không tố giác các tội liên quan ma túy và tội đặc biệt nghiêm trọng khác thì các đối tượng nêu trên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Gia đình phải có trách nhiệm phát hiện, cung cấp nhanh chóng các thông tin về tệ nạn ma tuý cho cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết kịp thời những thông tin, tố giác về tệ nạn ma tuý.

Khi phát hiện tội phạm ma túy, gia đình phải báo cáo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền việc trồng cây có chứa chất ma tuý; tham gia triệt phá cây có chứa chất ma tuý do chính quyền địa phương tổ chức.

Gia đình phải có trách nhiệm giáo dục các thành viên, thân nhân về tác hại của ma tuý và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma tuý; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thành viên trong gia đình tham gia tệ nạn ma tuý.

Đồng thời, tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma tuý tại các cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng; theo dõi, giúp đỡ người thân đã cai nghiện ma tuý hoà nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện.

Read More

Điều hướng bài viết

Page 1 Page 2 … Page 18 Next page
PRESS RELEASES
  • Vai trò của tôn giáo nói chung và công giáo trong công tác phòng chống ma túy 4 Tháng Bảy, 2022
  • Lấy phòng ngừa là chính, không để gia tăng tội phạm và tệ nạn ma túy 23 Tháng Sáu, 2022
  • Cảnh báo nguy hiểm từ loại ma túy mới Socola Chill Max 23 Tháng Sáu, 2022
  • Cảnh giác các loại ma túy trá hình len lỏi vào học đường 14 Tháng Sáu, 2022
  • Bộ tài liệu kỹ năng phòng chống ma túy – cẩm nang hữu ích cho học sinh khi nghỉ hè 9 Tháng Sáu, 2022
Bài Viết Mới Nhất
Hoạt động của dự án Tin tức
Vai trò của tôn giáo nói chung và công giáo trong công tác phòng chống ma túy
4 Tháng Bảy, 2022
Bài viết mới Tin tức
Lấy phòng ngừa là chính, không để gia tăng tội phạm và tệ nạn ma túy
23 Tháng Sáu, 2022
Bài viết mới Kiến thức về ma túy Tin tức
Cảnh báo nguy hiểm từ loại ma túy mới Socola Chill Max
23 Tháng Sáu, 2022
Đăng ký để nhận bản tin của chúng tôi

Chuyên mục
  • Bài viết mới
  • Bộ tài liệu kỹ năng PCMT
  • Giới Thiệu Dự Án
  • Hoạt động của dự án
  • Kiến thức về ma túy
  • Tầm Nhìn Sứ Mệnh
  • Tin tức
  • Văn hóa tổ chức
  • Về Chúng Tôi
BẢO VỆ THẾ HỆ TRẺ TRƯỚC HIỂM HỌA MA TÚY
Giới Thiệu

Dự Án “Chung tay bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy” là 1 trong những dự án của viện nghiên cứu tâm lý PSD

Chuyên Mục
  • Trang chủ
  • Về Chúng Tôi
  • Giới Thiệu Chương Trình
  • Tin Tức
  • Cộng Đồng
  • Liên Hệ
Đăng ký để nhận bản tin của chúng tôi

Copyright © 2020 Vien nghien cuu PSD